Các địa phương tại miền Trung hiện nay đang còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp công nghệ cao, vì vậy công tác mời gọi đầu tư đang được ưu tiên hàng đầu.
>>Việt Nam - Hàn Quốc chung tay phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Chiều ngày 24/11, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Mở rộng hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam tại Miền Trung Việt Nam” có sự góp mặt của chính quyền 4 tỉnh, thành miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc. Qua đó, mở thêm cơ hội để giới thiệu về môi trường đầu tư và đưa ra nhiều giải pháp để tìm cách mở rộng hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung.
Thông tin tại Hội thảo, ông Kang Boo Sung - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho biết tính đến tháng 7 năm nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD và đứng thứ hai trong năm 2023 với số vốn đầu tư mới là hơn 2,3 tỷ USD. Tại lĩnh vực thương mại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đã ở mức khoảng 500 triệu USD, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm qua, đạt 81,1 tỷ USD vào năm 2022 và hai nước hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.
Theo vị này, sự hợp tác kinh tế tích cực là tiền đề thúc đẩy việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” vào cuối năm ngoái và trung tâm của sự hợp tác này là khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Cho đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tương đối tập trung nhiều hơn ở khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam, nhưng nhờ chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực của Việt Nam và hoạt động thu hút đầu tư tích cực của chính quyền các địa phương nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến khu vực miền Trung hơn trước.
“Hiện nay đang có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung Việt Nam. Tôi tin rằng sự thành công của các doanh nghiệp này sẽ là những ví dụ điển hình để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung hơn nữa và tôi cũng mong rằng chính quyền các địa phương sẽ duy trì sự quan tâm và hỗ trợ này để ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam”, ông Kang Boo Sung kỳ vọng.
Cùng chia sẻ, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án… Bên cạnh đó, ông Minh cũng đề cập đến việc cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp giúp hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc ngay khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư cho đến khi dự án đi vào hoạt động, tạo sự tin tưởng rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Đà Nẵng, ông Minh cho biết địa phương rất chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian đến. Tính đến nay, thành phố có 268 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn hơn 362 triệu USD, xếp thứ 5 về số vốn đăng ký đầu tư trong danh sách 45 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Đà Nẵng.
“Định hướng phát triển của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Do đó, thành phố Đà Nẵng rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại thành phố trong các lĩnh vực trên. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh cũng chính là những lĩnh vực mà thành phố Đà Nẵng mong muốn thu hút đầu tư”, ông Minh nói.
Đại diện cho tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám Đốc Sở Kế hoạch đầu tư thông tin địa phương hiện có 14 Khu công nghiệp (KCN) đã được cấp phép với tổng diện tích trên 3.676 ha. Trong đó có 11 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai đã được cấp phép với diện tích trên 2.959 ha và 03 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai đã được cấp phép với tổng diện tích trên 716 ha.
Với Quảng Nam, quy hoạch dự kiến đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ phát triển thành 31 KCN với diện tích khoảng hơn 11.000 ha. Vì vậy, địa phương này đang ưu tiên thu hút các dự án về chế biến, chế tạo, chuyên môn hóa cao, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và thân thiện với môi trường.
“Hầu hết các dự án đầu tư vào Quảng Nam đều gặt hái thành công, đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Có tổng cộng hơn 1.100 dự án đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 225.000 tỷ đồng. Có tổng cộng 193 dự án FDI đang triển khai với tổng số vốn đăng ký hơn 06 tỉ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 58 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ… Trong tương lai, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia”, ông Nguyễn Tấn Văn cho hay.
Thời gian tới, các địa phương đã lên kế hoạch phát triển theo hướng công nghiệp tuần hoàn, đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột ngành kinh tế. Đồng thời, ưu tiên xây dựng các KCN công nghệ cao tại đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn, không gây ô nhiễm môi trường. Và một trong những thị trường được đánh giá cao là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Có thể bạn quan tâm