Huế không chỉ là thành phố của di sản, mà đang chuyển mình thành đô thị hiện đại, năng động và thông minh, trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thành phố Huế đang khẳng định vị thế mới trên bản đồ kinh tế đầu tư của Việt Nam, không chỉ bằng chiều sâu văn hóa, mà còn bằng chiến lược phát triển bài bản, đồng bộ, thân thiện với môi trường và nhà đầu tư. Với nền tảng là thành phố di sản cấp quốc gia, Huế hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của miền Trung.
Hạ tầng đồng bộ - Bệ phóng cho đột phá đầu tư
Nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, Huế sở hữu mạng lưới hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường sắt xuyên Việt, sân bay quốc tế Phú Bài và cảng nước sâu Chân Mây - Lăng Cô – một trong những cảng biển quan trọng bậc nhất miền Trung, có khả năng đón tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Cầu vượt biển Thuận An, công trình giao thông chiến lược sắp được hoàn thành, đã mở ra trục kết nối nhanh từ trung tâm thành phố ra biển, tạo điều kiện thuận lợi phát triển đô thị ven biển, du lịch và kinh tế biển.
Thành phố còn sở hữu đường bờ biển dài 128 km và hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, mang lại lợi thế độc đáo để phát triển kinh tế thủy sản, du lịch sinh thái và xây dựng hệ thống cảng biển chiến lược. Bên cạnh đó, Huế đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trọng điểm như KCN Phú Bài, KKT Chân Mây - Lăng Cô, cụm công nghiệp Tứ Hạ, La Sơn,… kết hợp cùng kế hoạch hình thành khu hậu cần logistics Cảng Chân Mây, nhằm từng bước xây dựng Huế trở thành trung tâm logistics vùng Nam Trung Bộ - Bắc Trung Bộ.
Trong lĩnh vực đô thị, thành phố đang tích cực triển khai Đề án xây dựng Huế trở thành đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị xanh, thông minh, với các hạng mục như hệ thống camera giám sát thông minh, trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, ứng dụng công nghệ số trong du lịch và quản lý đô thị.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, phát huy những lợi thế cạnh tranh của thành phố, định hướng thu hút đầu tư trong năm 2025 của Huế là sẽ tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu bến cảng, cụm công nghiệp, tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sự đồng hành của chính quyền với tinh thần cải cách hành chính quyết liệt cộng với chiến lược phát triển đúng hướng của thành phố đang tạo nên một môi trường đầu tư lý tưởng. Huế chào đón những nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn mong muốn đồng kiến tạo những giá trị bền vững cho cộng đồng, cho tương lai và cho di sản.
Hiện nay, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như: Công nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu mới, năng lượng sạch; Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu; Logistics, cảng biển, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; Nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia, giáo dục, y tế, đô thị thông minh.
Huế đang chuyển mình từ điểm đến tham quan sang trung tâm du lịch thông minh, chất lượng cao, với các sản phẩm đặc trưng: du lịch di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, biển, đầm phá, và các tour chuyên đề về ẩm thực, y tế, giáo dục, trải nghiệm văn hóa. Đặc biệt, thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực, Kinh đô áo dài” đang được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế đêm, công nghiệp sáng tạo.
Cùng với đó, thành phố khuyến khích phát triển các khu đô thị xanh, thông minh, di sảnhướng tới thành phố vừa gìn giữ cảnh quan truyền thống, vừa tích hợp công nghệ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng sống bền vững.
Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch để đón nhận các dự án quy mô lớn. Các thủ tục hành chính được cải cách quyết liệt, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Những con số biết nói và loạt dự án tỷ đô
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ Doanh nghiệp thành phố Huế cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực tiềm năng như du lịch, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao.
Các tổ công tác do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, Trung tâm với vai trò tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về tình hình thực hiện các dự án ngoài ngân sách thuộc Tổ công tác; Nhằm thúc đẩy các dự án đôn đốc tiến độ thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư và dự án đôn đốc tiến độ khởi công, Trung tâm đã thành lập các nhóm hỗ trợ cho 28 dự án đôn đốc khởi công; chủ động và đồng hành cùng các nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đồng thời thực hiện tổng hợp, báo cáo vướng mắc của các dự án trọng điểm. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào việc thu hút và thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố ước đạt 18.320 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Thành phố đã cấp phép cho 11 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với tổng vốn đăng ký 22.200 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án FDI với vốn đăng ký 11,7 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án lớn đã khởi công hoặc đi vào hoạt động như: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza (tổng vốn 2.187 tỷ đồng). Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương (tổng vốn 2.000 tỷ đồng). Trung tâm Logistics Chân Mây (tổng vốn 1.514 tỷ đồng). Hai dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị An Vân Dương. Trung tâm thương mại - dịch vụ - khách sạn. Tổ hợp giáo dục FPT Huế đang được đẩy nhanh tiến độ dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành trong tháng 8/2025. Những dự án này không chỉ tạo hàng trăm việc làm mới mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số của thành phố.
Đối với các nhà đầu tư chiến lược đã có dự án tại địa phương và đang mở rộng nghiên cứu đầu tư trên địa bàn thành phố, như Tập đoàn Cotana, Đạt Phương, Văn Phú, Sovico và một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ… Trung tâm luôn đồng hành, kết nối và hỗ trợ quá trình triển khai nghiên cứu nhằm tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa về môi trường đầu tư của địa phương.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ Doanh nghiệp thành phố Huế khẳng định, chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt hành trình đầu tư, từ định hướng ý tưởng, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đến triển khai vận hành dự án. Đầu tư vào Huế không chỉ là một cơ hội kinh doanh, mà là cơ hội trở thành một phần của câu chuyện phát triển văn minh và bền vững.
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác tại Hàn Quốc, Cộng hòa Séc; ký kết hợp tác với tỉnh Nara (Nhật Bản); tổ chức thành công Hội nghị chính quyền địa phương Đông Á lần thứ 14 tại Huế… Qua đó tạo cơ hội mở rộng mạng lưới đối tác và kênh xúc tiến toàn cầu.