Thời gian qua, người dùng ví điện tử đã nhận được yêu cầu xác thực thông tin cá nhân để tiếp tục sử dụng. Nếu không, tài khoản sẽ bị khóa, điều này đã gây nên lo lắng cho người sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều người dùng ví điện tử của Momo, Moca, ZaloPay... đều cho rằng, tài khoản ví điện tử của mình đều đã kết nối với tài khoản ngân hàng, nên các thông tin như số CMND, hộ chiếu…cũng đã được cập nhập khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, các ví vẫn yêu cầu xác thực thông tin cá nhân người dùng.
Chị Nguyễn Kim Khánh, quận Gò Vấp, TP. HCM cho biết, chị khá bất ngờ khi nhận được yêu cầu cập nhập thông tin cá nhân của nhà cung cấp dịch vụ đối với tài khoản Moca mà chị đang sử dụng. "Những thông tin cá nhân liên quan chị đã cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ, nên chị không hiểu yêu cầu này là nhằm mục đích gì", chị Khánh chia sẻ.
“Cách đây ít ngày, tôi sử dụng ứng dụng gọi xe của Grab để đưa người nhà đi bệnh viện, khi đến phần thanh toán thì ứng dụng yêu cầu tôi phải cập nhập thông tin cá nhân. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là yêu cầu phải xác minh bằng ảnh selfie. Tôi không hiểu yêu cầu như vậy để làm gì?”- Chị Khánh cho biết.
Điều mà chị Khánh cũng như nhiều người dùng ví điện tử băn khoăn là liệu những thông tin cá nhân cũng như hình ảnh của người dùng có được bảo mật hay không. “Tôi cảm thấy rất phiền toái khi liên tục bị nhà cung cấp thông báo cập nhập thông tin và hình ảnh. Do chưa rõ mục đích này là gì nên đến nay tôi vẫn chưa thực hiện”, Chị Khánh thông tin thêm.
Tương tự, anh Hoàng Văn Tuấn, quận Tân Bình, TP. HCM chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi sử dụng ví điện tử Momo để thanh toán tất cả các giao dịch. Tài khoản ví điện tử của tôi đã được kết nối với ngân hàng, và đương nhiên là thông tin cá nhân cũng đã được cung cấp cho nhà cung cấp dịch vụ rồi. Tại sao nhà cung cấp dịch vụ lại bắt chúng tôi phải cung cấp thêm một lần nữa và mục đích của việc này là gì?”, anh Tuấn đặt câu hỏi.
Anh Hoàng Văn Tuấn cho rằng, yêu cầu cung cấp thông tin nói trên là không cần thiết và gây mất thời gian, phiền toái cho người sử dụng. Không loại trừ khả năng các nhà cung cấp dịch vụ muốn sử dụng thông tin cá nhân của người dùng vào một mục đích khác.
“Tôi thấy yêu cầu phải chụp hình 2 mặt CMND và chụp ảnh selfie tải lên mạng để xác minh là vô lý và không cần thiết. Tôi không hiểu mục đích của các ví điện tử là gì và nói thật tôi cũng thấy ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của mình nên vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu của nhà cung cấp”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo cho biết, yêu cầu xác thực nhằm thực hiện quy định trong Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, khách hàng cần xác thực tài khoản trên ví bằng cách chụp ảnh CMND, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; cần bổ sung đầy đủ thông tin ngân hàng… để tiếp tục sử dụng ví điện tử.
"Tất cả thông tin người dùng cung cấp chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của chủ tài khoản. Chúng tôi không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bất kỳ bên thứ ba nào", ông Diệp khẳng định và cho biết, toàn bộ quy trình xác thực trên Momo chỉ mất một phút.
Đại diện các ví điện tử cho biết, tất cả ví điện tử đang hoạt động phải tiến hành xác thực hồ sơ người dùng trước khi đến thời hạn (dự kiến là ngày 7/7/2020). Theo quy định của Thông tư 23, từ sau ngày 7/7, việc xác thực tài khoản là bắt buộc và khách hàng sẽ không thể sử dụng ví điện tử cho đến khi hoàn tất các bước xác thực tài khoản.
Không chỉ ví điện tử, mà dịch vụ Mobile Money tới đây được cấp phép hoạt động, thì việc xác thực tài khoản cũng yêu cầu nghiêm ngặt hơn.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, cho biết, khi Mobile Money được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thì yêu cầu về định danh, xác thực tài khoản khách hàng sẽ càng quan trọng hơn.
Về bản chất, Mobile Money là một tài khoản của khách hàng mở tại công ty viễn thông nên việc nạp tiền sẽ được thực hiện thông qua các điểm nạp, rút tiền của đơn vị viễn thông. Người dùng buộc phải khai đầy đủ các thông tin cá nhân theo quy định mới được sử dụng dịch vụ.
Theo dự thảo đề án triển khai thí điểm Mobile Money, hạn mức giao dịch dự kiến là 10 triệu đồng/tháng/tài khoản. Riêng với nạp tiền qua thẻ cào, quan điểm của NHHNN trong dự thảo đề án là không cho phép vì các nguy cơ rủi ro.
“Nguy cơ lớn nhất khi giao dịch trong không gian mạng là sự ẩn danh - nếu ẩn danh sẽ sinh ra các nguy cơ. Trong thanh toán cũng vậy, nên việc làm sao xác thực danh tính của khách hàng với ví điện tử, Mobile Money là yêu cầu tiên quyết”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tuy việc yêu cầu xác thực thông tin cá nhân để tiếp tục sử dụng ví điện tử trong hoạt động thanh toán là đúng theo quy định, nhưng do không được tuyên truyền đầy đủ, nên việc xác thực này vẫn khiến người dùng không yên tâm. Do đó, các ví điện tử cần tuyên truyền rộng rãi vấn đề này, đừng đẩy người tiêu dùng vào thế khó.
Có thể bạn quan tâm
15:23, 27/05/2020
05:30, 26/05/2020
06:28, 16/05/2020
14:39, 11/05/2020
05:15, 27/03/2020
03:03, 12/01/2020
10:00, 03/01/2020