Chuyên đề

Các yếu tố chi phối thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp năm 2025

Lê Mỹ 18/02/2025 16:27

Thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) năm 2025 được dự báo sẽ sôi động, trong tầm ảnh hưởng từ "hiệu ứng Trum", lãi suất dài hạn và định giá giao dịch.

Theo Báo cáo "Xu hướng M&A Toàn cầu của PwC: Triển vọng năm 2025", nhiều đã thực hiện ít nhát một thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong ba năm qua dự định sẽ thực hiện một hoặc nhiều thương vụ mua bán sáp nhập trong ba năm tới. Tỷ lệ các CEO đưa ra câu trả lời này lên tới 81%. Cộng hưởng những yếu tố có tính tác động từ môi trường chung, dự báo nhu cầu thực hiện thương vụ ngày càng tăng giúp hoạt động trên thị trường sẽ nhộn nhịp. Hoạt động M&A tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng toàn cầu này, với những hoạt động thương vụ sôi động trong một số ngành cụ thể.

vinbrain.jpg
Vingroup bán vốn VINBrain vào cuối 2024 cho Jensen Huang – nhà sáng lập kiêm CEO của NVIDIA, là một thương vụ đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ

Y tế và giáo dục hấp dẫn

2 lĩnh vực được PwC dự báo sẽ sôi động nhất, là y tế và giáo dục.

Đối với lĩnh vực y yế, theo PwC, năm 2025, tình trạng thiếu hụt sản phẩm, rủi ro chuỗi cung ứng và những chính sách mới đang thúc đẩy các hoạt động M&A trong ngành y tế. Trong lĩnh vực dược phẩm và khoa học đời sống, các thương vụ chủ yếu tập trung vào công nghệ sinh học để đối phó với tình trạng sắp hết hạn độc quyền bằng sáng chế và thoái vốn các tài sản không trọng yếu nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư.

Đồng thời, các công ty này cũng đang tái cấu trúc danh mục đầu tư trong quá trình đổi mới. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các quỹ đầu tư tư nhân đối với công nghệ y tế (medtech) và sức khỏe kỹ thuật số ngày càng tăng, tạo ra nhiều cơ hội thoái vốn hấp dẫn đối với các công ty được đầu tư bởi các qũy đầu tư tư nhân. Các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe bán lẻ, bán thuốc không kê đơn (OTC) với xu hướng tách ra thành các pháp nhân độc lập hay thoái vốn cũng đang tích cực tham gia vào cuộc đua M&A để nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh.

"Năm 2025, thị trường M&A trong lĩnh vực y tế Việt Nam dự kiến sẽ sôi động, chủ yếu do nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ y tế chất lượng cao và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Các bệnh viện tư nhân và cơ sở y tế chuyên khoa, đặc biệt là trong lĩnh vực nhãn khoa và ung thư, sẽ trở thành tâm điểm của các hoạt động M&A", báo cáo của PwC nhận định.

Đối với lĩnh vực giáo dục, theo PwC, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của các quỹ đầu tư tư nhân, chiếm từ 50% đến 70% tổng danh mục đầu tư. Công nghệ giáo dục (EdTech), đặc biệt trong lĩnh vực số hóa giáo dục phổ thông và đại học, là tâm điểm thu hút sự quan tâm. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ và nhu cầu không ngừng tăng về chất lượng giáo dục đang thúc đẩy các hoạt động M&A trong lĩnh vực này tăng trưởng một cách mạnh mẽ.

Với chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và không hạn chế vốn đầu tư vào các cơ sở giáo dục, thị trường M&A trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đang trở nên vô cùng hấp dẫn. Hoạt động M&A trong năm 2025 dự kiến sẽ sôi động, được thúc đẩy bởi chính sách khuyến khích đầu tư và nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục tư nhân. Các đối tác chiến lược và đầu tư vào giáo dục đại học và đào tạo nghề sẽ nâng cao chất lượng và cơ sở hạ tầng. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội cho các hoạt động M&A, PwC nhận diện thị trường M&A ở lĩnh vực mỗi năm người dân chi hàng tỷ USD và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập - chi tiêu của mỗi hộ gia đình.

Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo
MSR bán 100% cổ phần H.C. Starck Holding cho Mitsubishi Materials là thương vụ M&A đáng chú ý của doanh nghiệp trong nước ngay trên thị trường toàn cầu. Ảnh minh họa: Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo thuộc sở hữu MSR - Masan Group

3 yếu tố thách thức - cơ hội trong hoạt động M&A

Theo PwC, có 3 yếu tố chính bất ngờ và là động lực thúc đẩy nhu cầu thương vụ.

Thứ nhất, ảnh hưởng địa chính trị và "hiệu ứng Trump": Các nhà hoạch định giao dịch và nghiên cứu thị trường vẫn đang tiếp tục đánh giá tác động của các cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia trong năm 2024 và những thay đổi chính sách tiếp theo, đặc biệt là ảnh hưởng của chính quyền Trump mới tại Mỹ. Báo cáo triển vọng M&A toàn cầu đã phân tích tác động khả dĩ của một số thay đổi chính sách và sắc lệnh hành pháp của Mỹ đối với từng lĩnh vực, bao gồm nhập cư, thuế, thuế quan, bãi bỏ quy định và nhiều vấn đề khác. Môi trường địa chính trị rộng lớn hơn cũng được phân tích sâu hơn trong từng góc nhìn ngành công nghiệp.

Thứ hai, lãi suất dài hạn: Việc cắt giảm lãi suất tại nhiều quốc gia trong nửa cuối năm 2024 đã hỗ trợ đà tăng trưởng mới của M&A. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn đang tăng trở lại, và thời điểm cũng như mức độ cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế mỗi quốc gia và liệu lạm phát có tiếp tục hạ nhiệt hay không, dẫn đến sự không chắc chắn đối với các nhà hoạch định giao dịch.

Thứ ba, định giá cao: Vào giữa tháng 1 năm 2025, tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) dự kiến đối với cổ phiếu Mỹ (dựa trên S&P 500) là 22,87, so với 13,67 đối với cổ phiếu quốc tế phi Mỹ (dựa trên S&P International 700). Định giá thấp hơn ở một số quốc gia và đồng đô la Mỹ mạnh có thể dẫn đến nhiều giao dịch xuyên biên giới hơn.

Báo cáo của PwC cũng cho biết các CEO có kỳ vọng càng tăng trong các thương vụ, với 53% CEO "hoàn toàn" hoặc "rất tin tưởng" vào triển vọng tăng trưởng của công ty trong ba năm tới, họ sẵn sàng hành động cho các mục tiêu. Ngoài việc mua lại để thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia PwC dự kiến việc thoái vốn, bao gồm cả việc tách khỏi công ty lớn, sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh doanh.

Bên cạnh đó, chất xúc tác từ Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò cho sự thay đổi, thu hút đầu tư đáng kể: Nhu cầu về AI đã thúc đẩy đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Trong năm năm tới, chi tiêu vốn có thể đạt 2 nghìn tỷ đô la cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để hỗ trợ AI đang thúc đẩy đầu tư vào sản xuất điện.

Tăng cường thoái vốn của vốn của quỹ đầu tư tư nhân (PE): Gần một nửa trong số 29.000 công ty danh mục trên toàn thế giới đã tồn tại trên sổ sách trong hơn bốn năm. Áp lực của nhà đầu tư đối với các quỹ PE để hoàn trả vốn đang tăng lên.

Trong một môi trường kinh doanh đầy biến động, các nhà đầu tư trên thị trường cần trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết những vấn đề phức tạp, bao gồm cả tác động của trí tuệ nhân tạo, áp lực về lợi suất đầu tư trong thị trường có định giá cao và tăng trưởng chậm, cũng như cân nhắc ảnh hưởng các yếu tố địa chính trị phức tạp tới các thương vụ.

Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn thương vụ, PwC Việt Nam chia sẻ: “Bước vào năm 2025, hoạt động M&A toàn cầu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tín hiệu cải thiện của nền kinh tế và các thương vụ mua bán chiến lược. Xu hướng này cũng được phản ánh tại Việt Nam, nơi chúng tôi chứng kiến sự gia tăng hoạt động thương vụ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp nội địa đang thể hiện vai trò chủ động, dẫn đầu trong các thương vụ giá trị cao, trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm trở lại tới thị trường, đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực tiềm năng là y tế và giáo dục. Để tạo nên những thương vụ thành công trong thị trường năng động này, các nhà đầu tư cần sự hiểu biết sâu sắc về xu hướng ngành và tập trung chiến lược vào việc tạo ra giá trị cốt lõi. Các nhà đàm phán phải luôn sáng suốt, theo dõi định giá, lãi suất cũng như các yếu tố địa chính trị để nắm bắt các cơ hội mới.”

Năm 2024, thống kê của PwC ghi nhận giá trị các thương vụ đã tăng 5%, chủ yếu do giá trị trung bình của mỗi thương vụ tăng lên, mặc dù khối lượng giao dịch giảm 17% do những bất ổn kinh tế vĩ mô xoay quanh lạm phát và lãi suất, điều này đã kìm hãm hoạt động M&A đối với các thương vụ vừa và nhỏ. Thị trường M&A đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể ở phân khúc cao cấp hơn, với hơn 500 thương vụ trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng từ 430 thương vụ trong năm 2023. Ngoài ra, các "megadeal" (thương vụ siêu lớn) đã tăng 18%, với 72 thương vụ với tổng trị giá hơn 5 tỷ USD được công bố trong năm 2024, so với 61 thương vụ của năm trước đó.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Mergermarket, tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm 2024 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Tuy nhiên, một thống kê của KPMG cho thấy chỉ tính trong 10 tháng 2024, tổng giá trị các thương vụ đã lên tới 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines). Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ là 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. Đáng chú ý, có đến 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.

Một điểm đặc biệt của thị trường M&A Việt Nam năm 2024 cũng ghi nhận vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp trong nước, được dẫn dắt với nhiều thương vụ từ các tập đoàn tên tuổi như Vingroup, Masan, Thaco, Viettel... ở cả thị trường trong nước lẫn sự hiện diện trên thị trường quốc tế.

Với những tín hiệu tích cực của môi trường kinh tế Việt Nam và sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân, năm 2025 cũng được các chuyên gia dự báo có thể tiếp tục chứng kiến mức độ chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác và sáp nhập, khẳng định sự trưởng thành và sức mạnh ngày càng lớn của các doanh nghiệp tư nhân Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các yếu tố chi phối thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO