Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.
>>Cải cách hành chính - "đã nói phải làm"
Đó là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo vào sáng 9/3 vừa qua.
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo, hai Hội nghị toàn quốc về xây dựng, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được tổ chức. Chính phủ họp 3 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 02 luật và xem xét, cho ý kiến 06 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị.
Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Trong năm, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa các cấp ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các bộ, ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trọng cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Giảm 07 tổ chức cấp sở; giảm 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 12,35% so với năm 2015.
Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19..v..v.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; vẫn còn những băn khoăn về “giấy phép con”; việc đầu tư cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm.
Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ nhận thức, sự quyết liệt, cố gắng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính. Đây là nguyên nhân rất cơ bản vì cải cách hành chính liên quan tới thể chế, tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành, nguồn lực đầu tư, quy trình, thủ tục hành chính.
Mặc dù các bộ ngành địa phương đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Tổng biên chế cả nước không những không giảm mà ở nhiều nơi còn còn có chiều hướng tăng.
Nói thẳng ra, một trong những lý do khiến các đơn vị khó tìm ra đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản là do đánh giá cán bộ công chức cuối năm có đến 99% cán bộ công chức hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
>>Phê duyệt thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ
PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng, có mấy lý do cơ bản: “Đầu tiên là nhận thức và sự tích cực, sâu sát của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan cũng chưa tích cực công việc này. Thứ hai là, chúng ta đã có chính sách, đã tập trung, nhưng đâu đó vẫn chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh, chưa có chế tài xử phạt, khen chê nên có tâm lý nếu làm được thì làm, không làm được thì để từ từ. Thứ ba là đâu đó vẫn còn sự nể nang, giữ thì vẫn giữ, người thân quen vẫn đưa vào”.
“Lãnh đạo một cơ quan nhà nước ở một thành phố lớn, từng tuyên bố, khoảng 40% người không làm được và không thể giảm biên chế được vì toàn “con cháu” cả”, PGS.TS Ngô Thành Can dẫn chứng.
Có thể nói, công cuộc cải cách hành chính nói chung và chủ trương tinh giản biên chế đã và đang được thực hiện ở khắp nơi, còn thực tế vẫn tồn tại những người năng lực, trình độ yếu kém trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức.
Đó là bệnh “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn tồn tại ở hầu khắp cơ quan, đơn vị. Chỉ có điều, số lượng cán bộ công chức ấy nhiều hay ít mà thôi. Chây ỳ, lười biếng và không có ý thức vẫn tồn tại đâu đó trong đội ngũ cán bộ công chức.
Trong khi đó, một yêu cầu cấp thiết được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính phải góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và của các cấp hành chính, các bộ, các ngành các địa phương nói riêng.
Do đó, cả hệ thống cần phải thấm, cần phải hành động, thực hiện ngay chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức.
Điều này không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị mà phải biến thành hành động, hành động quyết liệt, nếu không những cải cách hành chính mang tính nửa vời sẽ không chỉ thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy hành chính nước nhà.
Có thể bạn quan tâm
16:20, 09/03/2022
03:30, 06/02/2022
03:30, 05/02/2022
04:00, 04/02/2022
04:00, 03/02/2022
04:00, 02/02/2022
04:10, 01/02/2022
04:10, 31/01/2022