Trong làng hàng hải “Cái chết tinh thần” để chỉ các con tàu buôn còn đẹp, còn tốt, nhưng càng dùng thì càng lỗ. Bởi lẽ sinh lời chính là nguyên nhân tồn tại của chúng!
Clipper và “con đường chè”
Một buổi sáng ở Chelsea, “làng hoa” thủ đô nước Anh, nhà thiết kế tàu tài ba Bernard Weymout có khách. Đó là George Thompson, chủ hãng hàng hải Aberdeen Line. Ông ta muốn ngài Bernard thiết kế cho một con tàu có thể vô địch trong các cuộc thi trên “con đường chè”.
Chè được du nhập vào Anh từ “thời đại Vàng” của Nữ hoàng Anh Victoria. Tuy nhiên, nước Anh không trồng được chè, phải mua ở tận Trung Quốc. Cứ khi tháng Ba, mùa hái chè ở Trung Quốc bắt đầu, London chờ mong con tàu đầu tiên mang chè trở về từ đất nước mênh mông, xa lạ, nhưng hấp dẫn ấy.
Salon thượng lưu nào cũng muốn mình là nơi đầu tiên có bình trà thơm tiếp khách, coi đó như biểu tượng của sự giàu sang và sành điệu. Thế là các lái buôn chè thông minh đặt ra miếng mồi: Chè của cái con tàu đầu tiên ấy bao giờ cũng được mua bằng giá khủng. Khi đã trở thành nhà vô địch “con đường chè”, ngoài giá trị về tiền bạc, thì cái hấp dẫn hơn cả là danh tiếng của con tàu nhanh nhất thế giới.
Khoảng giữa thế kỉ 19 là thời hoàng kim của đội tàu buồm. Các nhà đóng tàu hồi ấy đã sáng tạo ra loại Clipper, đỉnh cao nhất và cuối cùng của nghệ thuật đóng tàu buồm cổ điển. Ngay cái tên Clipper - bắt nguồn từ động từ Anh “Clip” - đã nói lên cái đặc trưng của “dòng họ” nhà tàu này: Tốc độ.
Tất cả chi tiết kết cấu clipper đều bộc lộ cái tham vọng chiến thắng thời gian. Mũi tàu nhọn hoắt vươn ra rất xa như ngọn lao phóng lên trời. Vỏ tàu rắn chắc với những đường viền hài hòa, uyển chuyển. Các cột buồm cao sừng sững đỡ hàng chục lá buồm to và nhỏ... Clipper thực sự là con đẻ của những đường chạy marathon trên đại dương.
Thermopylae - “con chó săn của 7 biển”
Hai năm trôi qua, ngày 19/8/1868, cả một vùng cửa sông Dee, người ta nô nức về xem con tàu của ngài Thompson hạ thủy. Cô con gái út chủ tàu, mặc áo dài trắng, đầu đội vòng hoa như những nữ thần Hi Lạp, cầm chai rượu Champagne đập vào mũi tàu theo tục lệ biển. Con tàu được đặt tên là Thermopylae,
Năm 480 trước Công nguyên, trên con đường đèo hiểm trở Thermopylae, 300 chiến sỹ Hy Lạp dưới quyền của Vua Leonidas thành Sparta đã chiến đấu rất dũng cảm kìm chân cuộc tiến công của hàng chục vạn quân xâm lược Ba Tư. Tất cả họ đã hy sinh. Song Thermopylae trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, thà chết không lùi.
Thermopylae thực sự là một kiệt tác của nghệ thuật đóng tàu buồm thế giới. Nó có dung tích 991 tấn, dài 64,6m, rộng 11m, mạn cao 6,5m, chở được 1000 tấn chè. Vỏ tàu chắc chắn đến nỗi khi bão cực mạnh, các clipper chè khác vội vàng hạ tất cả buồm trên cột Bizan, thế nhưng thuyền trưởng Thermopylae thì không thế! Ông hạ lệnh treo thật nhiều mảnh chăn, tấm vải, tất cả những gì mình có, để hứng thêm gió...
Nhờ có vỏ chắc như vậy, Thermopylae mới có thể giương lên ba cột buồm lớn, cao cách mặt boong 45m, đỡ 32 cánh buồm tổng diện tích là 3.180m2. Thuận buồm xuôi gió, nó có sức mạnh tương đương với máy hơi nước 4000 sức ngựa. Giám mục La Mã Fancescaty khi đi kinh lý Nam Mỹ đã gặp Thermopylae ngoài đại dương. Ông nói: “Nó đi cuốn theo cả gió!”.
Có lần trong một ngày đêm, Thermopylae chạy được 400 dặm, tức là 17 hải lý/giờ - cái tốc độ mà không phải bất cứ con tàu biển hiện đại nào cũng dám coi thường. Điều đặc sắc là nó có tài đi trong gió rất yếu. Lúc con tàu chạy với tốc độ 7 hải lý, có thể cầm ngọn nến cháy đứng trên boong tàu mà nó không tắt!
Khi tất cả những cánh buồm căng lên, con tàu như đám mây trắng bồng bềnh trên biển. Thân tàu sơn màu xanh thẫm, dọc mạn có đường chỉ vàng. Hình chạm tuyệt mĩ người anh hùng trong trận Thermopylae - Vua Leonidas của Sparta - lộng lẫy trên đầu mũi tàu. Giới chơi tàu buồm đánh giá Thermopylae là một trong những tàu đẹp nhất của dòng họ các tàu buồm quý tộc - những clipper chè.
Ít lâu sau ngày nhận tàu, chủ tàu Thompson đưa Thermopylae vào chạy con đường của một clipper chè: London - Trung Quốc. Thermopylae đã thả neo ở bến Phúc Châu, cùng với nhiều clipper nổi tiếng khác. Những “cu-li” Trung Quốc làm ngày và đêm xếp chè lên tàu. Cuộc chạy thi chè đã sôi nổi ngay từ ngày đầu tầu lên hàng.
Thế nhưng con đường trên” bảy biển” mới thực sự là trường đua tài. Cuộc sống của con tàu buồm chịu sự chi phối của các sức mạnh tự nhiên. Mà còn có gì đỏng đảnh hơn đại dương nữa? Khi thì gió biển uể oải không làm bay một lá cờ ủ rũ trên đỉnh cột buồm (Vùng “Vĩ độ ngựa”, nỗi khủng khiếp không thể quên của các thuyền trưởng tàu buồm) lúc lại bất ngờ ào ào kéo đến tung hê con tàu trong cơn cuồng nộ.
Có những vùng biển đầy đá ngầm sắc như dao không được vạch trên bản đồ. Theo dòng hải lưu thì nay chỗ này, mai lại chỗ nọ. Vậy mà không được tránh né, phải căng hết buồm chạy tới.
Ngay trong chuyến đi đầu tiên, Thermopylae đã chạy một lèo từ Trung Quốc về London mất 91 ngày, lập kỉ lục thế giới mới. Lập tức nó được giới thủy thủ Anh gọi là “Con chó săn của 7 biển”. Danh tiếng Thermopylae nổi như cồn. Các lái chè Anh tranh nhau hợp đồng thuê nó chở hàng cho mình.
"Nhát búa" cuối cùng vào tấm ván thiên chôn đội tàu buồm
Giữa lúc hạnh vận đang mỉm cười với Thompson, thì ở một vùng khác trên Trái đất xảy ra sự kiện - Khai thông kênh đào Suez.
Dạo đó, hồi giữa thế kỉ 19, sau mấy nghìn năm ngự trị độc tôn trên biển, đội quân tàu buồm đã bắt đầu bị “con quái vật” của kỹ thuật, như những người kém hiểu biết, bảo thủ thời ấy gọi tàu hơi nước, chèn ép và đánh
bật khỏi tuyến đường xuyên Đại Tây Dương (từ Anh sang Mỹ).
Tàu buồm lui về “phòng thủ” các con đường từ Âu-Mỹ đến Viễn Đông và Úc châu. Chúng đã giữ được địa vị truyền thống của mình trên con đường dài qua 3 đại dương trong nhiều năm nữa. Vì tàu hơi nước không tiêu được thứ năng lượng trời cho, lúc nào cũng thừa thãi trên đại dương là gió. Mà xài than thì chẳng có tàu nào đủ sức mang theo ăn đường để đi nửa vòng Trái đất.
Thế rồi, đánh đùng một cái, kênh đào Suez ra đời. Từ nay, các con đường biển từ Châu Âu sang Viễn Đông rút ngắn đi mấy nghìn dặm. Thế nhưng món quà đó chỉ dành riêng cho tàu hơi nước. Tàu buồm bị ngược gió và hải lưu để xoay xở trong kênh đào Suez ra Ấn Độ Dương nên vẫn phải đi lối cũ, vòng qua châu Phi. Bây giờ cạnh tranh với tàu hơi nước đã khỏe, lại còn chạy tắt 1/3 đường, thì tàu buồm chỉ còn nước hạ buồm qui hàng.
Những “cu-li” Phúc Châu không còn thấy các clipper đẹp lộng lẫy với những cánh buồm mênh mang cặp vào bến sông có ngôi chùa cổ của họ. Thay vào đó là con tàu hơi nước bằng sắt, kêu như bò rống, thở ra toàn khói đen sì và chạy như điên bất cần có gió hay không.
Thermopylae mới ra đời đẹp đẽ là thế, mạnh mẽ là thế, mà đã CHẾT VỀ TINH THẦN - Càng chạy, Thermopylae càng chất nợ lên chủ tàu. Đứng trước nguy cơ phá sản, ngài Thompson đành cắt ruột bán niềm tự hào của nước Anh cho Hải quân Bồ Đào Nha làm tàu huấn luyện.
Thế rồi, giờ “tận thế” đến, giữa trưa ngày 13/10/1907, người ta thấy 2 chiếc tàu chiến Bồ Đào Nha đi kèm theo Thermopylae ra ngoài cảng Lisbon. Con tàu được neo vững chắc, rực rỡ cờ bay. Một hồi quân nhạc nổi lên. Tất cả thủy binh của hai tàu chiến chạy lên mặt boong, xếp thành đội ngũ, súng bồng trong tay.
Viên đô đốc mặc lễ phục tuốt thanh gươm trần khỏi vỏ, chỉ thẳng về Thermopylae đang dập dềnh trên mặt sóng. Hai con tàu chiến rùng mình. Từ bụng, chúng phóng 2 quả ngư lôi.. Con tàu lảo đảo, nghiêng ngửa và bắt đầu chìm, trong tiếng nhạc quốc thiều Anh cùng Bồ Đào Nha và những loạt đạn tiễn biệt.
Lễ mai táng Thermopylae, clipper chè huyền thoại, một kiệt tác của nghệ thuật đóng tàu thế giới, con tàu đẹp nhất, chạy nhanh nhất trong thế giới tàu buồm đã được diễn ra trong nghi thức trọng thể dành cho những con người lỗi lạc! Suốt cả lịch sử hàng hải có mấy con tàu được hưởng niềm tôn kính ấy!
"Cái chết tinh thần"
Cuộc đời của Thermopylae là một bi kịch. Sau niềm vinh quang ngắn ngủi là ngập tràn nỗi bất hạnh, khiến cho con tàu bị một “CÁI CHẾT TINH THẦN” ngay tuổi đang xuân. Đẹp thì rất đẹp, tốt thì rất tốt, vậy mà lại quá vội thành vô dụng.
Chỉ vì một nỗi sinh nhầm thế kỷ. Hay nói đúng hơn vì các cha đẻ của nó đã đi lệch bước phát triển thời đại, không nắm bắt được những diễn biến bất ngờ nhưng tất yếu của thương trường, chậm chân với những tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ngày nay, hai con tàu đẹp bậc nhất thế giới, Queen Mary, Queen Elizabeth, đang bị người ta bỏ xó. Chỉ vì tàu khách xuyên Đại Tây Dương không cạnh tranh nổi với các Boeing… chở khách từ Âu sang Mỹ chỉ mất hơn chục giờ bay.
Hàng trăm tàu dầu khổng lồ, đương thời đã được ngợi ca như những kì tích của kỹ thuật đóng tàu biển, vậy mà có lúc bị đem xẻ thịt ở Đài Loan hay Hàn Quốc - hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu lửa. Luật vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí ra đời làm điêu đứng các nhà máy đánh bắt, chế biến cá nổi hiện đại, chỉ tại chúng mất lối vào các bãi đánh cá truyền thống của mình... tất cả đều là phiên bản hiện đại “cái chết tinh thần” của Thermopylae?
Và cả Việt Nam cũng la liệt những "cái chết tinh thần". Nói ít thôi nhé! Tàu Hoa Sen Vinashin này! Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) đầu tư hàng ngàn tỷ đông, xong rồi là đắp chăn” ngủ” gần 6 năm nay, vì càng dùng thì càng lỗ.
Các nhà đầu tư hãy cẩn trọng khi tiêu tiền của mình, hay tiền thuế của nhân dân!