Nghề báo khắc nghiệt, gian khổ, lại khá “kén cá chọn canh” người đến với nghề.
Có những người được đào tạo bài bản nhưng không đủ duyên với nghề cũng không thể bám trụ được. Cũng có những người “tay ngang”, trái ngành, trái nghề nhưng lại đủ duyên để sống với nghề.
Chuyện đời
Khi bước chân vào giảng đường Đại học với chuyên ngành Triết học và suốt thời gian học tập, trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sau này tôi sẽ dấn thân vào báo chí.
Một phần khi đó chưa có khái niệm “báo chí” trong đầu, trong khi đã mặc định tư tưởng cho mình rằng học xong chuyên ngành này sẽ về địa phương công tác (cơ quan huyện đoàn là nơi tôi nghĩ tới khi đó), sau đó sẽ phát triển, tiến thân dần dần. Nhưng, đúng là không ai biết trước được ngày mai sẽ sao, cuộc đời nó “kiến tạo xoay vần” thế nào.
Học qua năm thứ 3 và 4, tôi bắt đầu thấy hứng thú với cái môn mà các bạn khác chuyên ngành hay ví von là toàn “Mác với Lê”, nghe mà buồn ngủ. Thế mới có chuyện, tốt nghiệp Đại học xong tôi bỏ ý nghĩ về địa phương xin việc và tiếp tục học Cao học cùng chuyên ngành.
Dĩ nhiên, ở môi trường Cao học, lớp tôi toàn các anh chị đã và đang công tác ở cơ quan này, cơ quan kia. Do đó, một mặt bản thân thấy mình “lép vế” với các vị ấy vì chưa có công việc, một phần thôi thúc phải học để lấy kiến thức với tấm bằng cho tốt để xin việc. Và ước mơ bỏng cháy khi đó là được đứng trên bục giảng của giảng đường để truyền thụ kiến thức cho các bạn sinh viên.
Niềm vui mà tôi có được quảng thời gian học tập chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong bươn chải để có tiền học tập và và một bức thư hồi âm cảm ơn chuyển phát nhanh từ Báo Đất Việt - vì từ bức thư đó có nhiều bạn bè hỏi tôi: Lầu Thanh có viết báo nữa hả?
Bên cạnh đó là một câu nói của Thầy tôi sau buổi lễ tốt nghiệp Cao học mà có lẽ tôi sẽ nhớ suốt đời rằng “Tấm bằng của các anh chị dẹp đi, chẳng có gì đáng tự hào! Đây này, học thật bằng thật là anh Lầu Thanh đây này”.
Ra trường, cũng với tinh thần tự lập đó, tôi cũng trải qua khá nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Từ anh bảo vệ, đến giảng viên thỉnh giảng, đến CEO bán hàng… Mối lo “cơm áo gạo tiền” khi đó khiến cho tôi phải đứng trước lựa chọn: “Làm thầy nhưng đói hay làm tự do mà cuộc sống tốt hơn?”. Chính “nốt trầm của cuộc đời tư” đã khiến tôi không dưới 3 lần bỏ lở cơ hội làm thầy, làm nhà báo của mình.
Có điều, dẫu bộn bề với cuộc sống, cái đam mê viết lách trong tôi vẫn bùng cháy khi nào. Dù không thuộc biên chế cơ quan chuyên môn nào, nhưng số lượng bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí, thậm chí xuất bản cuốn sách về văn hóa… là niềm mơ ước, khát khao của nhiều anh chị đang công tác ở các cơ quan, ban ngành mà tôi biết họ, họ biết về tôi.
Có lẽ, cái máu viết lách đó cũng là cái duyên đưa đẩy tôi đến với nghề báo tự khi nào không hay. Chính thức bước chân vào sân chơi của làng báo với bài “Tại sao “ông cử, bà thạc" thất nghiệp ngày càng tăng?” đăng trên báo VietNamNet ngày 4/3/2016. Ít thời gian sau đó tôi trở thành cộng tác viên quen thuộc của VietNamNet (mảng giáo dục), Dân Việt, Dân trí, đặc biệt là Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử (Enternews) - Cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Nói ra câu chuyện đời để thấy, dù trong tư tưởng không nghĩ đến nó – nghề báo, nhưng chính cái duyên đã mang tôi đến với nó.
Chuyện nghề
Với “thâm niên” gần 5 năm làm cộng tác viên (CTV) cho các báo, đặc biệt cho tờ Enternews, tôi thấy đây là một tờ báo kinh tế lớn với nhiều chuyên mục chuyên sâu, tạo “sân chơi” cho cộng tác viên và bạn đọc.
Đồng thời, Enternews có thiết kế giao diện đẹp; Tiêu đề, nội dung có tính chuyên nghiệp cao. Các bài viết, trong đó phải nói đến các bài bình luận chuyên sâu… rất lôi cuốn, hấp dẫn và thông tin đa chiều từ đội ngũ chuyên gia, phóng viên, cộng tác viên đông đảo từ rất nhiều địa phương.
Dưới góc nhìn cá nhân, bên cạnh sự khổ luyện, cầu thị, thì tôi may mắn nhận được sự tương tác, hỗ trợ, trao đổi, dìu dắt, của đội ngũ biên tập của Enternews.
Nói như vậy bởi vì ban đầu ngôn ngữ của tôi thiên về ngôn ngữ nghiên cứu khoa học, chứ không phải văn phong báo chí, mà ngôn ngữ nghiên cứu khoa học có phần khô cứng, không mềm mại trong cách diễn đạt. Rồi những câu chữ của tôi cũng gặp rất nhiều khiếm khuyết.
Cộng tác với Enternews, tôi thấm dần một cách sinh động cách thức tiếp cận đề tài, triển khai vấn đề, sắp xếp bố cục… để hình thành nên một bài báo phù hợp với tiêu chí, tôn chỉ của báo. Cũng trong thời gian này, không phải bài nào của tôi cũng được duyệt đăng. Nhưng không vì thế mà tôi cảm thấy buồn, vì mỗi bài được trả lại như thế đều kèm theo rất nhiều nhận xét và điều chỉnh hữu ích.
Vì thế, để ngòi bút thuần thục được như bây giờ đó không phải là điều đơn giản với một người học trái ngành, trái nghề. Đáng nói thêm ở chỗ, trong quá trình làm việc, thu thập tư liệu từ thực tế, điều tôi ngại và luôn luôn tránh là trong quá trình tác nghiệp gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cơ quan.
Giờ đây, những đồng nghiệp của tôi - các phóng viên, nhà báo ở cơ quan nói riêng, cũng như người làm báo nói chung, họ không chỉ là “cổ động viên” cho cái thiện, cái tốt mà còn có chức năng là người chiến sỹ trên mặt trận chống lại cái xấu, cái ác…v..v.
Vũ khí của người làm báo chính là cây bút, máy ảnh và máy quay phim. Với nhiệm vụ cao cả là “thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” theo đúng quy định của Luật Báo chí.
Họ được bảo vệ bằng những điều luật cụ thể như: Bất kỳ hành vi xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo khi tác nghiệp đều bị xử lý theo Bộ luật Hình sự: “Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…”
Hoặc, hành động hành hung các nhà báo cũng vi phạm trắng trợn Luật Báo chí. Chương I, Điều 9, mục 12 quy định nghiêm cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Có thể nói, bên cạnh những khó khăn, rủi ro nghề nghiệp, nghề báo cũng đem lại cho người cầm bút như chúng tôi rất nhiều cái được: Được trải nghiệm, được luyện rèn không ngừng về đạo đức, về chuyên môn, nghiệp vụ; Được kết nối, lan tỏa biết bao điều hay và góp nhặt kho kiến thức vô bờ cho mình..v..v.
Chính vì vậy, dẫu biết con đường phía trước đầy gian truân, nhưng bằng cái duyên của nghiệp cầm bút và sự nỗ lực không ngừng, cá nhân tôi luôn cố gắng, phát huy hết năng lực, sống hết mình với nghề để có được tác phẩm chất lượng phục vụ bạn đọc, góp sức nhỏ xây dựng Enternews ngày một phát triển hơn, vững mạnh hơn.
Thật tự hào là khi bản thân là một phần của Enternews!
Có thể bạn quan tâm
06:34, 21/06/2020
06:19, 21/06/2020
06:00, 21/06/2020
06:00, 21/06/2020
05:03, 21/06/2020
05:00, 21/06/2020