Kinh tế địa phương

Bình Dương: Phát triển KCN xanh, bền vững

Thùy Linh 27/08/2024 07:20

Bình Dương tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu, hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường. Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch chung của tỉnh có một phần rất quan trọng là quy hoạch các KCN mới đến năm 2030. Đây là tiền đề để tỉnh và nhà đầu tư thực hiện những bước tiếp theo trong việc phát triển các KCN mới theo tiêu chuẩn KCN sinh thái, thu hút ngành nghề công nghệ cao.

KCN Việt Nam - Singapore
KCN Việt Nam - Singapore

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Bình Dương có 42 KCN với tổng diện tích 18.600 - 21.000 ha.

Theo đó, Bình Dương tiếp tục thực hiện 33 KCN đã được quy hoạch (gồm 29 KCN đã thành lập và 4 KCN đang chuẩn bị đầu tư); thành lập mới 10 KCN; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi chức năng 1 KCN (KCN Bình Đường) theo đúng quy định của pháp luật.

Đến năm 2050, toàn tỉnh có 41 - 42 KCN với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Đối với các KCN mới thành lập, bên cạnh loại hình KCN đa ngành nghề, Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái và KCN công nghệ cao.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ đầu tư thêm 10 KCN mới. Trong số này, 2 KCN tại huyện Bắc Tân Uyên và TP.Tân Uyên sẽ được đầu tư trong 2 năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha; 8 KCN còn lại bố trí tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo được đầu tư đến cuối năm 2030, với tổng diện tích trên 6.000 ha.

Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các KCN được quy hoạch. Ông Nguyễn Trung Tín thông tin theo quy hoạch, Bình Dương dành khoảng 20.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Hiện nay, KCN Việt Nam - Singapore III (giai đoạn 2) rộng hơn 800 ha và KCN Cây Trường rộng 700 ha đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn đầu tư mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất Lego Việt Nam về tình hình triển khai dự án
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất Lego Việt Nam về tình hình triển khai dự án tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, mô hình phát triển KCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, việc xây dựng và phát triển mô hình KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu là rất cần thiết. KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu.

Để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong thực hiện quy hoạch, Bình Dương đang tập trung đầu tư các KCN thế hệ mới, gồm các KCN chuyên ngành như cơ khí, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin... hướng đến sản xuất thông minh.

Tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện di dời doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, hạ tầng các KCN và hạ tầng giao thông ở các địa phương phía bắc của tỉnh đang được hoàn thiện sẵn sàng đón các nhà đầu tư. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đang khẩn trương nghiên cứu thiết lập các chính sách, phương án theo lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng, cũng như tái định cư ở các địa bàn mới. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện các hạ tầng kết nối vùng, tạo động lực lan tỏa.

Trong thời gian qua, Bình Dương tích cực phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Về hạ tầng, bên cạnh hai trục kinh tế động lực là Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh… Bình Dương đang xúc tiến đầu tư các công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc, như cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng…

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh – ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Bình Dương thu hút được 1,07 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có 110 dự án đầu tư mới, 81 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 4.342 dự án đầu tư nước ngoài, tổng số vốn trên 40,9 tỷ USD. Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Bình Dương phấn đấu thu hút khoảng 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, riêng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2-1,3 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương: Phát triển KCN xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO