Kinh tế sụt giảm nhưng 2023 vẫn là năm mà Quảng Nam vững vàng vượt qua khủng hoảng sau dịch bệnh, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư,...
>>Vực dậy các Khu kinh tế Quảng Nam
Những con số định lượng báo cáo tại kỳ họp cuối năm HĐND Quảng Nam cho biết GRDP năm 2023 sát đáy (giảm 8,25%), nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng không thể thực hiện được khi nền kinh tế rơi vào cơn khủng hoảng thị trường, khó thể hồi phục.
Động lực chính của nền kinh tế như FDI, sản xuất công nghiệp suy giảm nhưng xuất nhập khẩu đạt 5,9 tỷ USD, tăng hơn 9% (xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 8,2% và nhập khẩu gần 3,6 tỷ USD, tăng 9,6%) với thị trường mở rộng trên 60 quốc gia. Đó là những thành tựu không mỏi mệt phấn đấu của cả hệ thống chính trị mà đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường mà Sở KH&ĐT Quảng Nam kiên trì đeo bám.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam Nguyễn Hưng cho biết: Nếu tình hình thế giới không biến động phức tạp, chuổi cung ứng không đứt gãy thì công nghiệp Quảng Nam sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới đã và đang bắt đầu tác động, đã khiến sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nhất là ô tô khi khối lượng sản xuất, tiêu thụ, doanh thu đều giảm hơn 10%.
Thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao và nguồn vật tư khan hiếm đã khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Đây là xu hướng chung của các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới trong đó có Quảng Nam.
Nguyên nhân sự sụt giảm của nền kinh tế được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận là thế giới biến động, hậu quả COVID-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, tín dụng thắt chặt, bất động sản “đứng bánh”. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư của địa phương...
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý, tăng trưởng trong năm 2023 của Quảng Nam dù không như kỳ vọng. Nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5% so năm 2022. Đây là chỉ dấu khẳng định cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của tăng trưởng kinh tế trong những năm đến.
Mặc dù hụt nguồn thu, nhưng thu nội địa vẫn kịp chạm mốc 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Thử khẳng định mặc dù thu ngân sách chưa đạt như kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn và luôn phụ thuộc vào Trường Hải là điều cần nhìn nhận để có biện pháp khắc phục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường là yếu tố sống còn của tăng trưởng kinh tế.
Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, theo PGĐ Sở KH&ĐT Nguyễn Hưng, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thực thi và là quyết định sống còn của tăng trưởng kinh tế mà Quảng Nam đã đặt ra. Đó là triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với hàng loạt quyết định, chỉ thị, công văn…được ban hành từ Trung ương đến địa phương.
Dư địa phát triển, tăng trưởng vẫn đang rộng mở. Mặc dù kết thúc 2023 chỉ có thêm 3 dự án FDI và 16 dự án đầu tư nội địa. Số lượng 1.100 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường là tín hiệu khởi sắc cho công tác xúc tiến đầu tư mà Quảng Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp và kiên trì mục tiêu đã đề ra dù là trong khó khăn của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế thế giới.
Các dự án trọng điểm vùng Đông, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hay các dự án động lực khí điện, cảng biển, hàng không, đô thị sân bay hay các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội...Đó là những điểm sáng cho niềm kỳ vọng tạo động lực để Quảng Nam phát triển.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hưng cho rằng cần cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư... Cần một định lượng cụ thể về tỷ lệ quỹ đất sạch bao nhiêu phần trăm trong giải phóng mặt bằng để sẵn sàng chủ động cho việc thu hút đầu tư. Không thu hút được nhà đầu tư thì sẽ không có nguồn lực phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, không còn con đường nào khác là tập trung đến mức tối đa tháo gỡ sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu.
"Thực hiện tốt quy hoạch, chuyển đổi số, phục hồi, phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội miền núi và kinh tế biển. Các đột phá chiến lược sẽ tiếp tục gia tăng, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác", Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.
Có thể bạn quan tâm