Pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày.
Mới đây, cử tri TP.HCM kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.
Theo ý kiến phản ánh của cử tri hiện nay việc quản lý sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao. Vì vậy, cử tri kiến nghị xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.
Bộ Xây dựng cho biết, tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định, chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Đồng thời tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.
Liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, theo Bộ Xây dựng, tại Điều 35 của Nghị định số 99 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...
"Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm", Bộ Xây dựng khẳng định.
Ủy ban cấp phường có trách nhiệm xử lý
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư nói chung và việc quản lý, sử dụng căn hộ nói riêng đã được quy định cụ thể tại nhiều Thông tư.
Mặt khác, Bộ Xây dựng lưu ý tại khoản 3 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
"Trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo cho nhà chung cư được an toàn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn" - Bộ Xây dựng cho hay.
Một chuyên gia bất động sản cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng cấm hoặc hạn chế việc cho thuê căn hộ theo giờ, ngắn ngày. Ví dụ, như Thái Lan coi hình thức này là bất hợp pháp, Singapore thì hạn chế, Đài Loan tăng mức phạt nếu việc cho thuê phát sinh ra các vấn đề vi phạm pháp luật... |
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng căn hộ chung cư diện tích 25 m2: Chọn lý hay tình
16:53, 04/10/2019
Đà Nẵng cảnh báo mua bán căn hộ chung cư Phước Lý
14:53, 09/01/2019
"Ngòi nổ" tranh chấp diện tích căn hộ chung cư
06:00, 08/09/2018
Liên tiếp cháy căn hộ chung cư: Đã đến lúc cần chế tài mạnh!
08:24, 23/03/2018
Hấp dẫn căn hộ chung cư Xuân Mai Riverside
16:17, 12/09/2017
Cách tính thuế dự kiến đối với một căn hộ chung cư
18:40, 21/04/2018