“Pháo nổ pháo nang, cả làng nghe thấy...”, câu đồng dao quen thuộc đó thường được trẻ con hát trong trò chơi “pháo đất” – một trò chơi dân dã của Việt Nam xưa.
Người dân xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình cho biết, làm pháo đất có rất nhiều công đoạn. Trước hết là khâu lấy đất làm pháo. Khắp làng này chỉ có doi đất làng Nguyễn (nay là Nguyễn Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) mới làm được pháo dự thi. Dân các làng muốn làm pháo đất phải đến làng Nguyễn mua loại đất này.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Chính vì vậy, để giảm bớt tiền mua đất, hàng năm các làng thi xong lại gói lại, cho đất vào bao đem xuống vườn cạnh bờ ao, nơi có độ ẩm cao. Đây là loại đất sét màu xám chì thuần khiết, có độ dẻo cao, ít bị dính tay, dính chân. Đất lấy về được phơi khô, đập nhỏ. Giã lá gáo lọc lấy nước để nhào đất cho thật dẻo. Nước lá gáo có tác dụng khử mùi tanh, hôi của đất làm cho đất đẹp hơn thành màu xám chì. Đất đã huyên dẻo được lát thành những miếng mỏng, nhặt hết những xơ, sạn rồi phải đưa qua vải để lọc những hạt cát và tạp chất. Lọc càng kỹ thì độ dẻo càng cao, con pháo càng đỡ bị đứt. Sau khi hoàn thành việc làm đất người ta mang đất ra nơi thi đấu để làm pháo.
Theo các cụ già trong làng kể lại, xưa kia những người chức sắc trong vùng thường đứng đầu dài pháo, nuôi con pháo (gồm người làm pháo và quăng pháo) trong nhà tập luyện để thi đấu. Mỗi làng thường lập ra một hoặc hai dài pháo khoảng 15 người chuyên luyện tập, bí tryền về các món nghề làm pháo, quăng pháo để thi đấu với các làng.
Trước mỗi hội thi, dân làng tổ chức hội tế trời ở đình làng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xưa xã Phú Lương có 5 ngôi miếu, 2 ngôi đình và chùa làng. Năm 1952, phục vụ công cuộc “Toàn dân kháng chiến” các di tích trên đã được tháo dỡ, nay chỉ còn ngôi chùa Duyên Tục. Các vị thần trong làng xã thành “tiên Phật, hậu Thánh”. Hàng năm bà con tổ chức lễ tại đây.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/02/2019
14:07, 05/02/2019
11:17, 05/02/2019
07:00, 05/02/2019
Khi hiệu lệnh bắt đầu cuộc thi, những nghệ nhân có kỹ nghệ tinh xảo, khéo tay được làng chọn làm pháo bắt đầu từ việc mẻ pháo. Động tác đầu tiên là dùng ngón tay cái làm cữ dặt giữa mê đất, xoay một vòng tròn, ngón cái làm trụ, ngón giữa xoay tròn rồi dùng tay kia vừa giữ, vừa tuốt tạo thành thân pháo hình bầu dục, vừa vặn, vừa mốt mép pháo cho nhẵn, phẳng. Khi phần mẹ hoàn thành, việc tạo phần con đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Dùng con trỏ làm cữ, tay kia vừa bấm đất vừa bắt ra hình con pháo như hình con rắn. Phần con rắn phía hông pháo phải to hơn một chút, càng ra ngoài càng thon và nhỏ dần. Độ to, nhỏ, dày, mỏng của con pháo có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả thi đấu.
Pháo được làm xong, có hiệu lệnh, người quăng pháo bước vào vị trí. Người hộ tống đỡ hông pháo và nâng pháo đặt trên tay người quăng. Khi pháo rơi gây tiếng nổ, con pháo bung ra hai bên đập vào đà pháo làm bằng gỗ hoặc thềm gạch xảy thành đà. Người ta đo độ dài của con pháo quy ra để tính điểm cao, thấp. Trong cuộc thi, trọng tài thường có 3 người, 2 người cầm thước đo con pháo, 1 người tính điểm, ghi điểm.
Phần thưởng cho cuộc thi pháo đất tuy nhỏ nhưng là danh tiếng cho dài kia gắn liền với tên tuổi người đứng dài. Để có được giải cao đòi hỏi các khâu làm đất, làm pháo, người quăng phải đạt được sự thuần thục, hoàn hảo. Khi người quăng nâng pháo trên tay là phút giây sôi động nhất với tiếng hò reo của cổ động viên, tiếng trống mỏ thôi thúc.
“Vang bóng một thời”
Từ thuở xưa, xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, Thái Bình nổi tiếng là vùng đất văn vật, có phường múa rối nước cổ truyền. Những ngày tiết lệ (những ngày giáp Tết) trong làng có nhiều trò chơi, trò diễn, đua tài như diễn sáo, pháo đất, là và đốt cây bông, mua kiếm,...
Trong một năm xã Phú Lương có nhiều kỳ hội với những điển lệ khác nhau. Hội làng Duyên Tục kéo dài nhiều ngày từ trung tuần tháng Chạp đếp trung tuần tháng Giêng. Riêng trò pháo đất được kéo dài đến tận cuối tháng 3, thu hút đông người tham gia nhất và cũng sôi nổi nhất. Ngoài 4 giáp trong làng Duyên Tục cùng nhau thi tài, hội thi cũng lôi kéo nhiều làng xã khác tham gia.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tục thi Pháo đất có từ thời Hai Bà Trưng. Tục kể lại rằng từ thời Hai Bà Trưng, có một vị tướng cưỡi voi đuổi giặc qua vùng đất này bị sa lầy, dân làng đem đất khô ném xuống đầm lầy cứu Voi. Khi đất khô ném xuống bùn bắn tung tóe. Để nhớ sự kiện này, thuở đầu tiên mới là thi ném đất xuống đầm lầy, ai ném bùn tóe ra xa thì thắng cuộc. Sau vùng này, ban đêm dân làng đốt lửa, làm pháo ném theo dãy chuyển tạo tiếng nổ dồn dập như làm quân giặc hoảng loạn rút chạy.
Từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, hội Pháo đất mở rộng hơn, mọi đối tượng cùng tham gia và đông đảo các làng đến thi đấu. Để cho việc thi đạt kết quả cao, trước ngày thi, hàng tối các pháo thi tập trung nhà ông dài trưởng để luyện tập.
Mỗi một vùng, một miền trên đất nước ta đều có một bản sắc văn hóa riêng và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trò chơi Pháo đất xã Phú Lương, không những làm phong phú thêm các hình thức thể thao thượng võ mang sắc thái đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng duyên hải mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.