Tết vui vì ai cũng bảo "vui như tết" nhưng không ít chuyện buồn đã trở thành vấn nạn ở tầm quốc gia đại sự chứ chẳng đùa!
Những tiếng la thất thanh “bộp”, “soạt” vang lên trong màn sương mờ đục sáng mùng một tết, mọi người choàng dậy nghe ngóng: Thằng quý tử hàng xóm “nướng” cả con xe của bố nó vào chiếu bạc!
Thế là một cái tết u buồn của bà mẹ kham khổ cả năm trời dành dụm chắt bóp để có chiếc xe mới. Bà nước mắt ngắn dài, mấy đứa nhỏ dáo dác, ông bố mắt long sòng sọc đuổi đánh thằng con trai duy nhất mà ông từng cưng nựng như trứng mỏng.
Chẳng biết tự bao giờ cờ bạc trở thành thú tiêu khiển trong tết, để thử vận đen đỏ một năm mới chăng?
Đủ mọi hình thức đánh bạc có mặt khắp các con đường lớn bé, đủ mọi lứa tuổi từ trung niên đến con nít mười mấy tuổi đầu xúm đen xúm đỏ từ sáng đến tối.
Có phải để giải trí khi thỉnh thoảng lại có vài thanh niên đứng dậy với bộ dạng rệu rã, miệng liên tục chửi thề rồi nhảy phắt lên con xe, nổ máy khét lẹt phóng như thiêu thân…về lấy thêm tiền.
Và, không biết vụ cướp chấn động ở trạm thu phí đường bộ Dầu Dây trong ngày đầu năm mới (Đồng Nai) khoắng đi số tiền 2 tỷ đồng có liên quan gì đến tệ nạn cờ bạc?
Có thể bạn quan tâm
20:40, 07/02/2019
14:57, 07/02/2019
11:48, 07/02/2019
Hơn 43 triệu tài khoản online là con số đủ cho thấy vấn nạn cờ bạc, đỏ đen đang phổ biến như thế nào. Nhưng tết là lúc có thể tặc lưỡi với nhau ở mọi nơi.
Cờ bạc như một căn bệnh mà y học mãi chưa thể tìm ra thuốc chữa, có mặt ở cả đô thị lẫn nông thôn, bòn rút từ kẻ nghèo kiết xác đến những đại gia tiền tỷ.
Năm nào cũng vậy, cứ sau kỳ nghỉ tết lại bắt gặp trên mặt báo nhiều vụ việc liên quan đến tiền: cướp, hiếp, giết…để phục vụ nhu cầu tệ nạn thả ga trong tết.
Ngôi làng nọ nổi tiếng quy củ vì con em hiếu học, nhiều người đỗ đạt, thế mà đến tết mọi thứ trở nên hỗn loạn như hồi mới giải phóng.
Thứ âm thanh re ré, xình xịch phát ra từ những chiếc loa kẹo kéo đã được xếp vào vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, những “ca sĩ”, “thần men” cứ mặc sức hò hát bất chấp nhà bên cạnh có mấy đứa nhỏ từ miền Nam về quê bị sốc thời tiết ốm dặt ốm dẹo.
Chẳng biết tự bao giờ người ta bỗng quan niệm tết là để thả ga bất chấp quy định?
Đoạn đường vài cây số hầu như không ai đội mũ bảo hiểm, kẻ có việc đi xa cũng sặc sụa mùi bia, rượu chỉ bởi một niềm tin không biết từ đâu mà có: công an nào đi làm ngày tết!
Rồi thì cứ sau mỗi dịp tết người ta lại bàng hoàng bởi con số tử vong tăng vụt vì tai nạn giao thông. Ai cũng cho mình may mắn vì…không phải người trong cuộc, nhưng ai cũng quên mất rằng, chính họ đã lấy lý do tết để chúc rượu chúc bia.
Khách đến nhà vì sợ mất “mảy xưa” của gia chủ nên cố gắng “hết lon”, “hết ly”, họ nhăn mặt, giật bắn cả người chỉ để đổ hết vào bụng cái gọi là “rượu mừng xuân”, rồi phải gượng cười với chủ nhà, như thế mới trọn tình trọng nghĩa?
Rồi đến những phong bao lì xì đã trở thành gánh nặng và một thứ thủ tục bắt buộc. Con nít thấy khách đến là đứng lượn lờ trước mặt chờ mừng tuổi.
Những đứa trẻ vô tư mở phong bao ngay sau khi nhận rồi bình phẩm ít nhiều, tiền xấu, tiền đẹp…
Trẻ con không có tội, có chăng chỉ là người lớn đã tiêm nhiễm vào đầu óc con trẻ giá trị tai hại của đồng tiền. Chúng trở nên cần những phong bao lỳ xì mà bản thân chúng cũng chưa biết phải sử dụng những đồng tiền ấy để làm gì.
Những góc khuất của tết kéo lùi năng suất lao động, hệ lụy vô vàn về mặt xã hội…không ít người tự nhiên thấy sợ tết, cũng không ít người thật sự văn minh trong tết, nhưng họ dường như lẻ loi giữa trùng phùng ăn chơi bạt mạng.
Tết vui vì ai cũng bảo “vui như tết” nhưng chưa hẳn, tết còn vô số chuyện buồn mà không ít trong số đó đã trở thành những vấn đề nan giải ở tầm quốc gia đại sự chứ chẳng đùa.
Kính mời quý độc giả gửi bài viết chia sẻ cảm xúc ngày Xuân của mình qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.