“Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở

GIA NGUYỄN 03/08/2021 04:20

Không chỉ tác động xấu đến các đồ án quy hoạch 4 quận lõi nội đô của TP. Hà Nội, việc “trì trệ” di dời trụ sở của nhiều bộ ngành còn dẫn đến tình trạng lãng phí trong sử dụng tài sản công…

Theo rà soát của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, có 28 cơ quan bộ ngành Trung ương nằm tại khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình). Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời gồm các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.

Thế nhưng, nhiều năm qua, việc di dời bàn giao trụ sở cũ cho TP. Hà Nội khai thác, sử dụng vẫn vô cùng “trì trệ”, đáng nói, tính đến nay đã có 9 bộ ngành, cơ quan hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, nhưng mới chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan Trung ương quản lý, còn lại, các cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao theo quy định.

Nhiều bộ ngành dù đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới, thế nhưng, vẫn tìm nhiều lý do để bám trụ lại trụ sở cũ - Ảnh minh họa

Nhiều bộ ngành dù đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới, thế nhưng, vẫn tìm nhiều lý do để bám trụ lại trụ sở cũ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong số đó - Ảnh minh họa

Thực tế, để di dời trụ sở một số cơ quan bộ, ngành, nhà máy xí nghiệp ra nội đô, Chính phủ đã có lộ trình từ năm 2005, đồng thời, đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng công trình mới, thế nhưng việc “trì trệ” di dời trụ sở đã và đang gây ra lãng phí lớn đối với ngân sách Nhà nước. Ngoài chi phí đã bỏ ra để thực hiện đầu tư hạ tầng, thiết lập quy hoạch, thì việc chậm di dời và bàn giao trụ sở cũ của các bộ ngành cũng tác động đến cơ hội đầu tư, phát triển khác.

Theo các chuyên gia, rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội, những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc.

Chưa kể, theo tính toán của các chuyên gia, nếu Chủ trương di dời các cơ quan, tổ chức ra khỏi nội đô của Chính phủ được thực hiện theo đúng lộ trình, khi đó sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình, đồng thời giảm tải cho áp lực đô thị khoảng 100.000 dân số,…

Ngày 26/02/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 205/QĐ-BXD về việc “Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội”.

Khu đất này cách Trung tâm chính trị Ba Đình 4,5km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 20km, có diện tích khoảng 35ha, nằm giáp đường Võ Chí Công hiện nay, được UBND TP. Hà Nội quy hoạch từ năm 2013, nằm tại trung tâm của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có diện tích tổng thể khoảng 210ha, đang và sẽ được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ, gồm: Khu thương mại (mua sắm, giải trí, văn phòng…), khu ven hồ (du lịch, khách sạn…), khu dân cư (biệt thự, nhà chung cư cao tầng…) và vành đai xanh. Liền với khu đất đó là Hồ Tây, Công viên Hòa Bình…

Trụ sở Bộ Công Thương tại 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh minh họa

Bộ Công Thương là một trong những đơn vị có ý kiến xin được giữ lại các trụ sở hiện tại đến năm 2030 nếu chủ trương di dời trụ sở khỏi nội đô không phải bắt buộc thực hiện 

Thế nhưng, đã chục năm nay, bản quy hoạch này vẫn chưa thể biến thành hiện thực, bất chấp từ tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 837/QĐ-TTg phê duyệt bản quy hoạch này, đến tháng 10/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 491/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Sự “trì trệ” này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải kể đến giá trị diện tích đất mà nhiều bộ, ngành đang sử dụng, chẳng hạn như Bộ Công Thương, đơn vị này có trụ sở chính của Bộ tại địa điểm 54 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), với tổng diện tích đất bằng hơn 9.500m2, diện tích sàn hơn 17.000m2. Ngoài ra, Bộ hiện còn có trụ sở làm việc của đơn vị trực thuộc tại các số 21, 23, 25 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm), diện tích đất hơn 4.000m2, diện tích sàn 12.000m2; tại địa điểm 91 Đinh Tiên Hoàng, diện tích đất 179m2; địa điểm 20 Lý Thường Kiệt diện tích 672m2, diện tích sàn 3.600m2; địa điểm tại số 655 đường Phạm Văn Đồng có diện tích đất hơn 8.500m2, diện tích sàn 23.000m2…

Những diện tích kể trên đều được cho là diện tích “đất vàng” tại Hà Nội ở thời điểm hiện tại, nên theo đơn vị này nếu không phải là Chủ trương bắt buộc phải di chuyển thì đơn vị xin được giữ nguyên các diện tích đang có đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, vẫn biết, hệ thống làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội đang bị phân tán do yếu tố lịch sử để lại, thế nhưng, hiện tại không ít trụ sở hành chính nhưng lại đang bị sử dụng sai mục đích, với lý do các bộ phận chuyên ngành sử dụng không hết, kiếm thêm nguồn thu,… để cho thuê, chuyển đổi gây ra tình trạng thất thu, lãng phí.

Câu chuyện lãng phí từ việc di dời trụ sở của các bộ ngành không phải câu chuyện mới, đây là vấn đề đã gây nhức nhối nghị trường nhiều năm trở lại đây, trong đó, không ít Đại biểu Quốc hội đã đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan đơn vị để xảy ra tình trạng “trì trệ” thực hiện chủ trương di dời trụ sở ra khỏi nội đô.

Và mới đây phản ánh về rất nhiều biểu hiện của sự lãng phí, Đại biểu Quốc hội - Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng đặt vấn đề, hiện nay nhiều cơ quan có trụ sở mới vẫn không trả trụ sở cũ, làm mất cơ hội sử dụng tài sản đó tốt hơn;…

Các chuyên gia cho rằng, nếu không có sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, e rằng sự trì trệ sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Có thể bạn quan tâm

  • Bao giờ có

    Bao giờ có "thuốc" đặc trị "căn bệnh" lãng phí?

    04:20, 27/07/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị

    “Căn bệnh” lãng phí: Bài học từ các dự án đường sắt đô thị

    04:00, 29/07/2021

  • Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!

    Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!

    05:00, 29/07/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT

    “Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT

    04:00, 30/07/2021

  • “Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai

    “Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai

    04:30, 02/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO