“Cán bộ là cái gốc của mọi việc”

GS. TS HOÀNG CHÍ BẢO - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 12/02/2021 06:00

Để hiện thực khát vọng Việt Nam cường thịnh, việc lựa chọn nhân sự cấp cao có ý nghĩa nền tảng, dẫn dắt sự phát triển, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm tựa cho công tác nhân sự tới đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng “cán bộ là tài sản của quốc gia, là vốn quý của đoàn thể”

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng “cán bộ là tài sản của quốc gia, là vốn quý của đoàn thể”

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh vào khát vọng phát triển và hội nhập để xây dựng một Việt Nam cường thịnh, thực hiện cho được mục tiêu của đổi mới là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là mong muốn của toàn dân tộc ta và là tâm nguyện, hoài bão suốt đời của Bác Hồ.

Lựa chọn nhân sự lãnh đạo là trung tâm chú ý của Đại hội Đảng

Xét đến cùng là vấn đề con người, phải xây dựng được ban lãnh đạo cấp cao của Đảng kết tinh trí tuệ tinh hoa dân tộc, mẫu mực trong sáng về đạo đức nhân cách, đủ sức dẫn dắt dân tộc phát triển về phía trước.

Để có cơ sở lựa chọn đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược sắp tới, cần tìm hiểu những chỉ dẫn quý giá của Hồ Chí Minh. Trước hết, Bác dạy rằng “cán bộ là tài sản của quốc gia, là vốn quý của đoàn thể” và đoàn thể ở đây chính là Đảng. Bác nói điều này trong điều kiện Đảng ta còn hoạt động bí mật thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Do đó, công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng. Ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927), ở trang đầu tiên, Bác đã nêu tư cách của một người cách mạng.

Đặc biệt, trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trước hết nói về Đảng và đầu tiên là công việc với con người. Người khẳng định, Đảng ta là một Đảng cầm quyền và đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng. Trong đó, Đảng viên là người đầy tớ trung thành của nhân dân phải là người ra sức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, thật sự chí công vô tư, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đoạn viết về Đảng cầm quyền chỉ mấy dòng nhưng bốn lần Người nhấn mạnh chữ “Thật”, nhất là đạo đức: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người từng sớm cảnh báo chủ nghĩa cá nhân là thứ “giặc nội xâm” ở ngay trong lòng mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chống tham nhũng phải bắt đầu từ chống quan liêu, lãng phí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chống tham nhũng phải bắt đầu từ chống quan liêu, lãng phí.

Từ tư tưởng nổi bật của Bác Hồ là cán bộ phải đủ đức đủ tài, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta còn phải đặt ra yêu cầu là “thực đức, thực tài, tức là phải căn cứ vào hành động, việc làm của cán bộ, chống cho được những thói “giả đạo đức”, “giả khoa học”, “giả chính trị”, “giả cách mạng”, thường thấy ở những kẻ suy thoái, biến chất.

Ngay đến tác phẩm cuối đời với tiêu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và nhất là trong Di chúc của mình, Bác đều nhấn mạnh những điều này, cho thấy căn cứ quan trọng về khoa học, cũng như về chính trị để Đảng ta thấu hiểu những lời dạy của Bác, học tập bản lĩnh của Bác và phương pháp dùng người tinh tế của Bác, thận trọng nhưng khoáng đạt để lựa chọn đúng những người tài đức thực sự, xứng đáng với Đảng với dân.

Theo dõi đời sống chính trị của Đảng những năm gần đây ta thấy có hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đều xoay quanh xây dựng chỉnh đốn Đảng, khắc phục cho được tình trạng suy thoái biến chất cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đó cũng là sự tiếp nối tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Hiện thân của “đức trị” và “pháp trị”

Nói đến câu chuyện chọn người, dùng người, không thể không nhắc tới những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chống tham nhũng. Có thể nói, Bác chống tham nhũng bằng chính cuộc đời mình, bằng tấm gương của bản thân mình. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, công chức rằng “Chính phủ không có tiền, tiền của Chính phủ để trả lương cho công chức là tiền thuế của dân, Chính phủ cũng không có quyền, quyền là quyền của dân trao cho, dân ủy thác thì phải đem quyền đó phục vụ dân, không được biến dân chủ thành quan chủ”. Do đó, “mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi nước mắt của dân. Thương dân thì phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân, quan liêu là xa dân và tham ô, tham nhũng là có tội với dân”. Bác xếp tội tham nhũng vào tội phản dân, hại nước.

Người đã từng đau đớn thức trắng đêm trước những vụ án lớn. Còn nhớ vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân Nhu tham nhũng, sống cuộc sống xa hoa truỵ lạc khi quân dân còn đang chiến đấu gian nan ngoài mặt trận để khai thông biên giới năm 1950. Người đã xót xa đồng ý y án tử hình bởi mọi sự ăn năn đều là muộn màng.

14 năm sau, năm 1964, khi miền Bắc ngấp nghé chiến tranh, Người lại một lần nữa đau đớn ký án tử hình một cán bộ cao cấp là Thứ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ NN&PTNT) Trương Việt Hùng vì mắc tội đạo đức không thể tha thứ, và ngoại tình mà giết vợ. Người nói “phải giết đi một vài con sâu để cứu cả cánh rừng xanh tốt thì vẫn phải làm”. Trước khi xử lý những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, có lần Người gọi đến và nói “để các chú hư hỏng như thế này Bác cũng có một phần trách nhiệm, vì đã không dạy bảo các chú đến nơi đến chốn” Những chuyện như vậy chỉ có ở Hồ Chí Minh. Người nói chống tham nhũng phải bắt đầu từ chống quan liêu, lãng phí.

Quán triệt và vận dụng thực hiện tư tưởng của Người,trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp, chính sách và áp dụng các chế tài, các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ.Và đặc biệt, mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần làm chủ bởi như Người từng nói nếu dân giám sát, kiểm soát hành vi cán bộ thường xuyên, nêu cao tinh thần làm chủ thì “quan dù không liêm cũng phải hoá ra liêm”.

Kết quả thắng lợi của Đại hội Đảng lần XIII là tất yếu. Sau quá trình hơn 1/3 thế kỷ đổi mới với tất cả sự trải nghiệm và rèn luyện trong thực tiễn, đội ngũ cán bộ của chúng ta đã trưởng thành, chúng ta không thiếu người tài, đức, không thiếu người có năng lực vượt trội. Chúng ta tin rằng Đảng ta với tất cả tinh thần trách nhiệm cao cả trước Dân tộc và Nhân dân, với phẩm chất của Đảng Cách mạng chân chính do Bác Hồ sáng lập nhất định sẽ lựa chọn được những người xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cán bộ là cái gốc của mọi việc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO