Bộ Nội vụ đề xuất một số chính sách mới trong sửa Luật Cán bộ, công chức như đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Tại Dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện và phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.
Theo Bộ Nội vụ, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề "rất trọng yếu", "quyết định mọi việc", "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.
Tại Dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ đề xuất một số chính sách mới, trong đó đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Mục tiêu của chính sách này nhằm đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Về giải pháp thực hiện chính sách trên, Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.
Với những đổi mới mang tính đột phá, Bộ Nội vụ kỳ vọng cơ chế quản lý theo vị trí việc làm sẽ tạo tiền đề cho một nền công vụ thực tài, minh bạch và hiệu quả. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này được coi là yếu tố then chốt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đánh giá việc quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm là yêu cầu cấp thiết, TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Hành chính Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được đẩy mạnh, việc xây dựng vị trí việc làm sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
"Có thể hiểu, việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm, tiêu chuẩn cho từng vị trí việc làm đó và cần bao nhiêu nhân sự ở vị trí đó. Xác định vị trí việc làm vừa giúp cho ra con số chính xác về con người, mặt khác làm giảm đi sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, tăng cường tính hiệu quả của bộ máy cơ quan, tổ chức đó. Với cách quản lý theo vị trí việc làm sẽ tăng tính cạnh tranh, tạo động lực trong làm việc", TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần gắn việc xây dựng vị trí trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế. Đồng thời, qua vị trí việc làm, cần giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Hiện nay, tại nhiều cơ quan, tình trạng một công việc được giao cho nhiều người nhưng không ai chịu trách nhiệm chính dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả. Khi đó, bộ máy ngày càng cồng kềnh, tạo thêm áp lực cho ngân sách mà hiệu quả công việc lại không cao. Do đó, xây dựng vị trí việc làm là giải pháp quan trọng để giải quyết những bất cập này.