Mặc dù các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng lừa đảo trên khắp cả nước, tuy nhiên, tình trạng này vẫn được tiếp diễn mà… chưa có hồi kết.
>> Thêm những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội
Gần đây, nhiều người tại vùng quê tại tỉnh Hưng Yên đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng này tự giới thiệu là “doanh nghiệp”, mang sản phẩm gia dụng, điện tử về chào hàng tại các địa phương và thường nhắm vào nhóm người cao tuổi, phụ nữ để lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận.
Đây là những thủ đoạn không mới, mặc dù các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng lừa đảo trên khắp cả nước, tuy nhiên, tình trạng này vẫn được tiếp diễn mà… chưa có hồi kết.
Cứ mua hàng rồi sẽ được… nhận lại tiền
Theo Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, trên địa bàn một số huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu,… xuất hiện nhóm đối tượng lợi dụng việc tổ chức chương trình hội thảo, với vỏ bọc giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng, kèm theo tặng quà khuyến mại để dụ dỗ người dân mua hàng đồ gia dụng, thực phẩm chức năng… với giá thành cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Để tạo sự tin tưởng và kích thích người dân mua hàng, ban đầu, các đối tượng tặng kèm theo các sản phẩm có giá thành rẻ như dầu ăn, nước mắm… Sau đó, bọn chúng dụ dỗ người dân cọc tiền mua hàng với lời hứa chỉ cần tham gia chương trình đến cuối buổi sẽ được hoàn lại tiền và tặng luôn đồ đã mua.
Điển hình mới đây, ngày 14/3/2023, trên địa bàn xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên xôn xao câu chuyện có một “doanh nghiệp” về địa phương thực hiện chương trình “tri ân khách hàng” và tặng quà cho bà con nhân dân với thủ đoạn tương tự nêu trên.
Ghi nhận thực tế, tại buổi “hội thảo” được các đối tượng lừa đảo tổ chức tại chợ trung tâm xã Thụy Lôi, để tạo không khí giao lưu với những người đến tham dự, các đối tượng sẽ tặng quà miễn phí như chai dầu ăn, bột ngọt… Sau khi tặng quà xong, nhóm người này bắt đầu giới thiệu sản phẩm để bán hàng. Các sản phẩm được giới thiệu thường là đồ gia dụng, đồ điện tử có giá rất cao so với thị trường. Đơn cử, một chiếc chảo chống dính được các đối tượng giới thiệu với giá 600 nghìn đồng, nồi cơm điện đa năng có giá hơn 4 triệu đồng; đồng thời “không quên” tặng kèm một hộp thực phẩm chức năng có thể “chữa bách bệnh”.
Với tâm lý cả tin khi mua hàng sẽ được hoàn trả lại đúng số tiền đã bỏ ra, nhiều người dân đã đưa tiền triệu cho nhóm đối tượng để mua những sản phẩm gia dụng kém chất lượng, thậm chí có người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua các sản phẩm mà đối tượng “mật ngọt” giới thiệu. Trong khi đó, nhóm lừa đảo đã kịp “cao chạy xa bay” để lại lời hứa về kho lấy thêm hàng và sẽ quay lại!? Lúc đó, các “khách hàng” của “doanh nghiệp” mới tá hỏa biết mình đã bị lừa.
Nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo
Qua xác minh ban đầu, lực lượng công an tỉnh Hưng Yên xác định các công ty, doanh nghiệp hoặc các nhóm đối tượng giả danh như nêu trên thường từ các địa phương khác đến. Đối tượng bị chúng nhắm tới thường là những người cao tuổi, phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.
>> Lừa đảo huy động vốn: Thuốc nào “đặc trị”?
>> Muôn chiêu lừa đảo tâm linh
Nơi tổ chức “sự kiện” thường tập trung tại các khu chợ, khu dân cư đông người và được quây kín bằng bạt. Một số đối tượng bên ngoài trông xe, tuyệt đối không cho những người trẻ tuổi và nam giới tham dự sự kiện. Số còn lại làm nhiệm vụ giữ trật tự bên trong hội trường, phát phiếu, thu tiền và giao sản phẩm. Sau đó lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết trong cập nhật thông tin của người cao tuổi, các đối tượng lừa đảo đã diễn “màn kịch” mua hàng - trả lại tiền một cách hoàn hảo khiến nhiều người sập bẫy.
Thực tế cho thấy, những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo như trên đều không mới, nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân của chúng. Mặc dù lực lượng chức năng các địa phương đã xử lý hình sự nhiều trường hợp, nhưng sau một thời gian vắng bóng, tình trạng này lại tiếp diễn ở các địa phương khác.
Đáng chú ý, vào tháng 01/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức “mua hàng – trả lại tiền” như trên.
Theo Luật sư Nguyễn Đình Tuấn, công ty Luật TNHH Nhật Chiêu (Hà Nội), để ngăn chặn tình trạng này, hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác; kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phi pháp. Đồng thời, chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát các hoạt động của công ty, doanh nghiệp, cá nhân về địa phương để tổ chức hội thảo, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Bên cạnh đó, cơ quan công an khuyến cáo người dân không tham gia hội nghị, chương trình quảng cáo bán sản phẩm do các tổ chức, cá nhân không có uy tín, không được cấp phép, không ghi địa chỉ đơn vị tổ chức. Kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, công dụng của sản phẩm; tham khảo, so sánh với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường trước khi mua. Khi thấy nghi ngờ, chủ động tố giác, phối hợp cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng.
Có thể bạn quan tâm
“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo
00:06, 17/03/2023
Nhân viên ngân hàng giúp khách hàng ngăn chặn chiêu thức lừa đảo 1,1 tỷ đồng
18:06, 27/02/2023
Lừa đảo “online” còn là chuyện dài kỳ
03:10, 18/02/2023
Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng mạo danh Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản
12:00, 18/11/2022
Người dân nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hãy phản ánh qua đầu số 156
06:33, 01/11/2022