Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục phân hóa mạnh, các nhà đầu tư cần tìm chiến lược đầu tư mới cho năm 2025.
Sau nhiều lần VN-Index không thể bứt phá qua mốc 1.300 điểm, thị trường yếu dần và sự phân hóa bắt đầu diễn ra khi nhóm tăng ít hơn nhóm giảm giá.
Thị trường chứng khoán bất ngờ bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 5/12 vừa qua khi trên thị trường xuất hiện thông tin FTSE làm việc với Trung tâm lưu ký và đánh giá chúng ta gần như đã hoàn thành các tiêu chí cho việc nâng hạng thị trường, đẩy thời gian này lên gần hơn trong đợt xét duyệt vào tháng 3/2025 và chính thức vào tháng 9/2025. Thông tin này giúp cầu mua trên thị trường tăng vọt, nhiều cổ phiếu tăng kịch trần, trong đó nhóm chứng khoán có rất nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ, như BSI, FTS, VCI, CTS, VDS, SSI, HCM, ORS và VIX.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, sàn HOSE có 347 mã tăng và chỉ còn 55 mã giảm, VN-Index tăng 27,12 điểm (+2,19%), lên 1.267,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 908,3 triệu đơn vị, giá trị 21.041 tỷ đồng, tăng 58% về khối lượng và 51% về giá trị so với phiên giao dịch trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 68,4 triệu đơn vị, giá trị 1.848 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong những phiên sau đó, thị trường chứng khoán có dấu hiệu đuối dần, cầu mua không còn mạnh mẽ như trước, thanh khoản nhanh chóng sụt giảm, chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index sau khi bứt phá lên 1.267 điểm đang loanh quanh mốc 1.270 điểm, không tạo ra thêm điểm nhấn nào. Không có nhóm ngành nào nhận đủ sự đồng thuận để dẫn dắt, kéo VN-Index đi lên, khiến thị trường chứng khoán có sự phân hóa rõ nét, chủ yếu tăng điểm nhờ vào những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, HPG, GAS, VNM... Với thị trường như trên, áp lực bán sẽ gia tăng và để thị trường tiếp cận mốc 1.300 điểm cần lực cầu mạnh.
Chỉ còn hơn 2 tuần giao dịch nữa là năm 2024 kết thúc, nhìn lại toàn bộ thị trường năm nay có thể thấy sự phân hóa vô cùng lớn. Có nhiều cổ phiếu liên tục phá đỉnh, tạo ra vùng giá cao chưa từng có, như FPT, VTP, CTR, ACB, VCB…, đẩy giá trị vốn hóa của các công ty này lên mức cao. Ngược lại, có những cổ phiếu suy giảm và tìm đáy, như NVL, DIG, CEO…
Chung quy lại, những cổ phiếu liên tục tăng mạnh và giữ được vùng giá cao hầu hết có 2 yếu tố: Thứ nhất là bệ đỡ về kết quả kinh doanh (KQKD) tích cực và nổi bật. Thứ hai là có câu chuyện tích cực riêng biệt và liên tục được cập nhật. Những cổ phiếu như DGC, PNJ … phản ánh rõ nét về KQKD tích cực. Cổ phiếu VTP, ACV, FPT,… là những câu chuyện luôn được cập nhật, giúp tâm lý các nhà đầu tư vững tin để nẵm giữ. Ngược lại, những cổ phiếu giảm mạnh hầu hết có đặc điểm chung là tài chính và KQKD thua lỗ và rơi vào câu chuyện tiêu cực, có thể thấy rõ như các cổ phiếu QCG, DIG, NVL,…
Một câu chuyện khác là nhóm cổ phiếu chứng khoán với thông tin về KRX, rồi nâng hạng thị trường giúp cho giá nhiều cổ phiếu nhóm này tăng vọt vài trăm % kể từ năm 2023 đến nay. Thế nhưng, giá cổ phiếu nhóm này đang ngày càng suy giảm trong thời gian gần đây, khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ. Trên thực tế, KRX hay nâng hạng thị trường không giúp quá nhiều với nhóm này khi tính cạnh tranh ngày càng cao. Nhiều công ty đang áp dụng miễn phí giao dịch và cuộc đua đang chuyển về margin. Một điểm quan trọng nữa là trong năm 2024 gần như tất cả các công ty nhóm này đều tăng vốn, tạo ra sức ép cực lớn về cung, trong đó có một công ty chứng khoán niêm yết mới.
Năm 2024 có khá nhiều nhóm ngành tăng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm nay, dẫn đầu bởi nhóm ngân hàng, kế tiếp là chứng khoán, thép, dầu khí… Những cổ phiếu thuộc sàn UPCoM có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất với đà tăng của các cổ phiếu, như ACV, FOX, VTP, MRS, BSR … và đây có lẽ là giai đoạn rực rỡ nhất với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi VN-Index không vượt qua 1.300 điểm, sự phân hóa bắt đầu diễn ra khi nhóm tăng ít hơn nhóm giảm giá.
Chính vì vậy, không có nhiều nhà đầu tư lãi lớn trong năm 2024 - phản chiếu từ các quỹ cho thấy tăng trưởng NAV không quá ấn tượng. Nhà đầu tư cần tìm chiến lược đầu tư mới cho năm 2025 cận kề và nhiều kịch bản đã được các công ty chứng khoán khuyến nghị. Thách thức ở phía trước cũng có, thậm chí có cả những bất ngờ nhưng cơ hội cũng vậy. Việc khối ngoại bán ròng kỷ lục là dấu hỏi và là điểm trừ, nhưng có thể là điểm cộng nếu như dòng vốn này quay lại.