Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các cơ chế đặc thù riêng cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án.
>>>Cần Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho điện khí và điện gió ngoài khơi
Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.
Trong đó, với tổng quy mô công đưa vào vận hành trước năm 2030 là 30.424 MW, dự án điện khí gồm 10 dự án sử dụng khí khai thác trong nước với tổng công suất 7.900 MW và 13 dự án sử dụng LNG với tổng công suất 22.824 MW.
Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để các dự án điện khí LNG có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế vẫn còn những vướng mắc. “Điều đòi hỏi lớn nhất của các nhà cho vay, các nhà tài trợ là phải có Qc (sản lượng điện hợp đồng) dài hạn cho dự án. Đấy là điều quan trọng nhất để đảm bảo dòng tiền trả nợ”, ông Giang chia sẻ.
Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng, giá khí đầu vào cho các dự án hiện đang neo theo giá thế giới, do đó cần có một cơ chế cho việc chuyển giá khí vào trong giá điện.
“Nếu các vấn đề không được tháo gỡ dứt điểm, không có những cơ chế về quy trình dài hạn và chuyển giao khí thì rõ ràng là dự án có thể bị các nhà cho vay từ chối bất kỳ lúc nào, gây tổn thất cho không chỉ chủ đầu tư mà tổn thất cho cả hệ thống điện quốc gia và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy hoạch điện VIII”, lãnh đạo PV Power nhận định.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS cho biết doanh nghiệp đã đầu tư cho 4 dự án kho LNG ước khoảng 4 tỷ USD, thời gian thu hồi vốn lên đến khoảng 20 năm.
“Do đó, cần có cơ chế về việc mua bán khí LNG cho các nhà máy điện, luật hóa việc xác định chi phí dự trữ, phân phối và vận chuyển khí đến nơi tiêu thụ và cam kết khối lượng tiêu thụ khí tối thiểu để đảm bảo thu hồi vốn cho nhà đầu tư”, ông Phong chia sẻ.
>>>PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG: Sáu nhóm giải pháp hiện thực hoá mục tiêu
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các cơ chế đặc thù riêng cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Cùng với đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Cần có các tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.
Đồng thời, có cơ chế để các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện, và EVN là một trong số đó. Các chủ thể nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ, tái hóa khí.
Các nhà máy điện có thể đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối. Khi đó, giá bán điện sẽ do bên mua và bán thỏa thuận.
Đặc biệt, để giảm rủi ro cho doanh nghiệp, cần xem xét giải pháp điều chỉnh lộ trình chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy điện từ khí trong nước và LNG sang hydro với tiến độ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và đủ thời gian để các nhà đầu tư thu hồi vốn.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cũng cho rằng, các dự án điện khí có nhiều điểm khác biệt so với những nguồn điện khác, đặc biệt là vấn đề giá thành và đầu vào. Vậy nên, nếu trong khuôn khổ pháp lý của thị trường điện hiện nay thì rất khó để điện khí có thể tham gia một cách “sòng phẳng”.
“Tôi nghĩ rằng, cần phải có cơ chế đặc biệt đối với các nguồn điện này. Điều này đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho các nguồn điện đặc thù để có thể tham gia hòa lưới và phát điện”, ông Hồi phân tích.
Về đề xuất này, tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi cần kiến nghị Quốc hội có nghị quyết đặc thù để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện 8. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia và cần phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.
Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ những vướng mắc đối với quy định của pháp luật hiện hành trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, thực hiện trước ngày 30/12.
Có thể bạn quan tâm
02:44, 17/12/2023
15:11, 12/12/2023
15:23, 07/12/2023
15:14, 07/12/2023
14:42, 07/12/2023
14:08, 07/12/2023
13:58, 07/12/2023
11:00, 07/12/2023