Bình luận

Cần có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia các dự án năng lượng

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 09/09/2024 04:10

Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển nguồn năng lượng này.

Theo đó, sau tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương và 119 Điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện lực…

sua-luat-dien-luc-24.6.1.1.1.1.jpg
Sau tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương và 119 Điều - Ảnh minh họa

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý suốt thời gian qua là các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều ý kiến cho hay, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, vì vậy, cần có chính sách rõ ràng nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng này phát triển.

Nhấn mạnh về việc hợp tác đa bên dành cho điện mặt trời mái nhà, ông Phạm Đăng An - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Phong Energy cho rằng, Dự thảo đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng, cần bổ sung các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

sua-luat-dien-luc-24.6.1.1.1.2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa

Theo ông An, cần cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.

“Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển dịch xanh. Ngoài ra, việc chi tiết hoá các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư”, ông An bày tỏ.

Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhu cầu về điện đang rất cấp bách và cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân và nước ngoài vào phát triển năng lượng.

Theo Luật sư Cao Trần Nghĩa - Công Ty Luật Nishimura và Asahi Việt Nam, một trong những vấn đề mà khách hàng thường hay yêu cầu công ty tư vấn là về tính khả thi cấp vốn của các dự án năng lượng.

Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, ông Nghĩa cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo năng lực vận hành của bên mua điện, cũng như khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy các giao dịch tài trợ vốn cho dự án.

“Nếu được phép áp dụng pháp luật quốc tế, nhiều nhà đầu tư quốc tế sẽ quan tâm hơn khi nói đến thị trường điện Việt Nam. Hay Luật sửa đổi cần có cơ chế bảo lãnh từ Nhà nước để nhà đầu tư yên tâm hơn trong các hợp đồng dài hạn với EVN”, ông Nghĩa chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề về cơ chế áp dụng nhằm phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề giá điện cũng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt.

Liên quan vấn đề này, đại diện của Nhóm Công tác về điện và năng lượng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) băn khoăn, liệu giá thắng thầu có phải là giá để ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN hay không? Hay chủ đầu tư phải thực hiện đàm phán lại giá mua bán điện với EVN sau khi thắng thầu?

Từ đó, đại diện của VBF đề xuất, nên áp dụng theo hướng giá thắng thầu là giá ký kết mua bán điện với EVN và không thực hiện đàm phán lại. Và để tạo sự linh hoạt hơn cho các dự án thí điểm mà giá chuẩn chưa được xác định, và các nhà máy theo cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng trong đó bên phát điện và bên mua điện được tự do quyết định giá điện.

“Chúng tôi đề xuất bổ sung hai trường hợp này vào quy định miễn áp dụng khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt”, đại diện của VBF cho hay.

Được biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là 1 trong 12 Dự án Luật sẽ được đưa ra thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2024 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia các dự án năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO