Công khai thông tin, dữ liệu không chỉ bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền, mà còn giúp doanh nghiệp có cơ sở đưa ra các quyết định kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn…
>> Quan ngại sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định điều chỉnh nền tảng số
Theo đó, đánh giá về việc công khai thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mở, Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Các thông tin được Nhà nước công khai không chỉ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền mà còn giúp doanh nghiệp có thêm thông tin để ra các quyết định kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặc dù vậy, trong quá trình thảo luận chính sách, không ít trường hợp cơ quan Nhà nước ngần ngại công bố các cơ sở dữ liệu. Việc công khai này không chỉ khiến các cơ quan thêm việc mà còn tạo tâm lý Nhà nước bỏ công sức thu thập dữ liệu mà doanh nghiệp hoặc các đơn vị tư vấn thị trường lại được sử dụng miễn phí để mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ ràng đây là một dịch vụ công mà Nhà nước thực hiện vì sự phát triển của xã hội.
Theo VCCI, trên thế giới, nhiều Chính phủ thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về việc cung cấp dữ liệu mở đến với công chúng nhằm tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Thậm chí, có Chính phủ còn tổ chức các cuộc thi Hackathon về dữ liệu mở, trao giải cho các sáng kiến sử dụng dữ liệu mở mà chính quyền cung cấp để tạo nên các giá trị cho xã hội.
Thực tế hiện nay, khoản 2 Điều 17 Nghị định 47/2020/NĐ-CP giao cho các bộ, ngành, tỉnh thành tự ban hành mục dữ liệu mà trong phạm vi quản lý của mình. Tuy nhiên, quy định như vậy không tạo ra động lực “mở” dữ liệu từ phía cơ quan Nhà nước, do đó, các dữ liệu cần mở lại tiếp tục vẫn “đóng”.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, ngoại trừ Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị cung cấp đến 95,6% dữ liệu, các đơn vị khác chỉ cung cấp trên dưới 1%, thậm chí có đơn vị chưa mở dữ liệu nào. Việc chậm cấp phép dữ liệu mở sẽ không thúc đẩy việc khai thác giá trị kinh tế to lớn từ nguồn dữ liệu này.
>> Ổn định chính sách, tránh "phanh gấp"
Cũng theo VCCI, một nguồn dữ liệu phù hợp, sẵn có, có thể cân nhắc là các thông tin được công khai tiếp cận. Tại Luật Tiếp cận thông tin 2016 đã quy định, công dân được quyền tiếp cận các thông tin này dưới hình thức đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp thông tin. Một trong các hình thức công khai thông tin là hình thức điện tử, trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước. Nguồn dữ liệu này tương đối dồi dào và tương đối dễ dàng để trở thành dữ liệu mở.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo Dự thảo Luật Giao dịch điện tử và quy định vấn đề dữ liệu mở trong đó. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn đang bỏ ngỏ vấn đề này.
Cùng với đó, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước ưu tiên công khai cũng đã tiếp cận theo hướng khai thác các nguồn thông tin đã công khai như vừa nói ở trên. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng chỉ là bước mở đầu theo nguyên tắc sử dụng các dữ liệu mặc định mở theo quy định của pháp luật, và chấp nhận bất kỳ hình thức chia sẻ nào, kể cả các định dạng thô.
“Cách tiếp cận này có ưu điểm là tính khả thi của việc thực hiện cao cho các dữ liệu này đã sẵn có (cơ quan Nhà nước đã thu thập theo yêu cầu quản lý của mình), được quy định là thông tin được phép tiếp cận, và không yêu cầu về hình thức chia sẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, cách tiếp cận có nhược điểm vì chú ý đến số lượng, mà có thể thiếu hiệu quả về mặt kinh tế do chưa chú trọng mở các dữ liệu có giá trị cao, hoặc chưa mở các bộ dữ liệu có thể kết hợp với nhau”, VCCI đánh giá.
Từ đó VCCI cho rằng, mở quyền sử dụng hay không, trước hết, phải khẳng định, dữ liệu là một loại tài sản, và do đó, khi Nhà nước mở dữ liệu, thực chất Nhà nước đang trao cho người sử dụng các quyền sử dụng tài sản. Nhà nước có thể thực hiện quyền này thông qua quy định tại văn bản pháp luật hoặc thông qua Giấy phép mở. Giấy phép mở thực chất là một hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu tài sản (Nhà nước, thông qua cơ quan Nhà nước được trao quyền quản lý, sử dụng) cho các chủ thể khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Việt Nam đang sử dụng cách đầu tiên, khi quy định cụ thể trong Nghị định 47/2020/NĐ-CP. Cách quy định này có ưu điểm là dễ hiểu và dễ áp dụng cho cả cơ quan Nhà nước và người sử dụng. Tuy nhiên, quy định như vậy tương đối đơn giản và chưa bao quát hết quyền mà người sử dụng có thể được khai thác, từ đó có thể gây ra rủi ro pháp lý về sau.
“Chẳng hạn khoản 3 Điều 18 Nghị định 47/2020/NĐ-CP quy định dữ liệu mở phải là dữ liệu nguyên trạng như được công bố. Quy định này không hề dễ đề cập đến quyền sửa đổi và/hoặc tùy biến thích nghi các tập hợp dữ liệu. Các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp khó có thể tận dụng dữ liệu do các dữ liệu nguyên trạng thường không phù hợp với các ứng dụng, dịch vụ của họ. Dự thảo Luật Giao dịch điện tử cũng đang tiếp cận theo hướng này và có thể tiếp tục gây khó cho người dân, doanh nghiệp”, VCCI dẫn chứng.
Do đó, VCCI đề xuất, pháp luật về dữ liệu mở nên cân nhắc ban hành quy định về Giấy phép mở, trong đó có đầy đủ nội dung về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng (tương tự như điều khoản sử dụng). Cơ quan Nhà nước nào thực hiện mở dữ liệu sẽ sử dụng Giấy phép mở đó (mà không phải soạn thảo lại).
Đồng thời, khuyến nghị một số lĩnh vực cần được áp các quy định về công khai thông tin, dữ liệu mở bao gồm: đấu thầu; thanh tra; bảo hiểm; giao thông.
Có thể bạn quan tâm
Nên công khai thông tin chi trả quyền lợi bảo hiểm
05:30, 22/09/2022
Công khai thông tin kinh doanh với người lao động là không thực tế
18:00, 07/09/2022
Bộ Xây dựng yêu cầu công khai thông tin bất động sản
00:15, 26/07/2022
Công khai thông tin quy hoạch chặn sốt đất
01:00, 31/05/2022
Cần bổ sung chế tài xử lý chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch
11:23, 30/05/2022