Mặc dù quy định đầy đủ tại Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, thế nhưng việc công bố thông tin quy hoạch đến nay vẫn thực hiện đối phó, người dân khó lòng tiếp cận.
>>Báo động đỏ cho quy hoạch đô thị Hà Nội
Tại phiên thảo luận Quốc hội mới đây, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) phản ánh công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn chỉ mang tính hình thức.
Cụ thể, theo vị đại biểu, việc công bố thông tin dường như đơn giản chỉ là một cú click chuột bởi đã được quy định rõ tại Luật Đất đai, Luật Quy hoạch.
Cụ thể, tại Điều 48 Luật Đất đai, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Có thể bạn quan tâm |
Theo Đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc công bố công khai thông tin quy hoạch theo yêu cầu của Luật Quy hoạch có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa kể đến việc nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ bản đồ cụ thể hoặc nếu có thì bản vẽ dung lượng bản ảnh rất thấp không thể xem rõ được nội dung.
"Rõ ràng, việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận” – ông Hoàn nói.
Vị đại biểu cũng cho biết thêm đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.
Đồng ý kiến, đại biểu Trịnh Tú Anh (Lâm Đồng) dẫn kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cũng cho biết còn quá ít người dân biết tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi cư trú.
Năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết tới thông tin này trong khi đó, năm thấp nhất tỷ lệ này đạt chưa tới 12%. Tỷ lệ người được hỏi cho biết đã được tham gia góp ý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại nơi cư trú cũng thấp. Năm cao nhất cũng chỉ có 7%, năm thấp nhất là 2,8%
Theo vị đại biểu, các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải tiếp thu, giải trình lý do không tiếp thu ý kiến của người dân. Tuy nhiên, với những con số nêu trên, cần phải xem mức độ “dân bàn” được thực hiện đến đâu hay chỉ mang tính hình thức.
Trên thực tế, vấn đề công khai thông tin quy hoạch đã có quy định đầy đủ, cũng như liên tục được bàn đến thế nhưng thực trạng thiếu công khai, khó tiếp cận lại khá nhức nhối.
Trong một chia sẻ trước đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến thẳng thắn nhìn nhận thực trạng một bản quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền duyệt hiện nay mới chỉ dừng ở mức tổ chức công bố với sự tham gia của một số ít đại diện người dân, báo chí đưa tin rồi sau đó bản quy hoạch nằm ở đâu không ai biết.
Theo ông Chiến, nguyên nhân này dẫn đến mỗi khi nói đến điều chỉnh quy hoạch là người dân liền phản ứng tiêu cực, phản đối dẫn đến nhiều hệ lụy. Để người dân có niềm tin và ủng hộ các quy hoạch điều chỉnh chỉ còn cách công khai hóa rộng rãi, nói rõ lý do điều chỉnh thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản.
Mặt khác, việc công khai, minh bạch thông tin tại UBND các cấp hiện nay vẫn chưa chủ động và cập nhật thường xuyên. Khi muốn tiếp cận thông tin quy hoạch, người dân phải làm thủ tục xin cấp thông tin từ cơ quan quản lý mất rất nhiều thời gian.
“Việc người dân mù mờ về thông tin quy hoạch sẽ gây khó khăn trong xây dựng nhà cửa, mua bán bất động sản hay là sự ngờ vực về thay đổi của các dự án bất động sản, công trình công cộng. Với các doanh nghiệp là khó tiếp cận dự án. Bên cạnh đó, đây cũng chính là những kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm phát sinh, tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp” – ông Chiến khẳng định.
Theo ông Chiến, để người dân nắm bắt được thông tin quy hoạch một cách tốt nhất, các địa phương nên xây dựng sổ tay quy hoạch cho nhữ̃ng đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Trong sổ tay mọi vấn đề được diễn giải một cách cụ thể và bản đồ số phải được công khai bằng hình ảnh và thông tin.
"Có như vậy, người dân mới có thể biết để làm, để bàn khi được hỏi ý kiến và có thể kiểm tra quá trình thực thi quy hoạch trên thực tế có đúng theo quy hoạch được lập hay không" - ông Chiến bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm