Dù được xác định là Trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước nhưng đến nay TP Hải Phòng chưa có cảng cá đáp ứng tiêu chí cảng loại 1 theo quy hoạch.
Thậm chí, nhiều cảng cá, khu neo đậu còn đang trong tình trạng xuống cấp, sa bồi.
Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 TP Hải Phòng có 3 cảng cá và 5 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động, gồm: Ngọc Hải (Đồ Sơn) sức chứa 800 tàu; Trân Châu (huyện Cát Hải) sức chứa 1.000 tàu; Bạch Long Vỹ (huyện Bạch Long Vỹ) sức chứa 300 tàu; Quán Chánh (huyện Kiến Thụy) sức chưa 200 tàu; Mắt Rồng (huyện Thuỷ Nguyên) sức chứa 300 tàu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu còn rất nhiều hạn chế, bất cập.
Là cảng cá chỉ định của TP Hải Phòng, cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) được xây dựng từ năm 1997, là nơi dịch vụ hậu cần, trao đổi hàng hóa, neo đậu tránh trú bão cho các tàu thuyền của Hải Phòng và các địa phương khác. Diện tích luồng lạch rộng hơn 208.000m2. Cảng được thiết kế với 3 bến, công suất thiết kế từ 800 - 1.000 tàu. Trung bình có khoảng 100 - 200 tàu thuyền ra vào mỗi ngày.
Nhưng trên thực tế, do hiện nay tuyến luồng ra vào bến cá đang bị sa bồi rất nghiêm trọng. Các tàu cá ra vào rất khó khăn mỗi khi thủy triều xuống. Mặc dù, mỗi khi triều lên cửa bến rất rộng nhưng khi thuỷ triều xuống luồng bị thu hẹp, lộ rõ doi cát, tàu thuyền ra vào chỉ cần mất tập trung là rất dễ mắc cạn, bị đắm, hỏng khi cố vượt qua luồng.
Ông Lưu Đình Dũng – Phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn cho biết, do luồng lạch bị sa bồi nên khi biển động, gió bão, nếu thuỷ triều xuống thấp thì tàu bè ra vào khó khăn, ảnh hưởng đến việc tránh trú bão của các phương tiện.
Tương tự cảng cá Ngọc Hải, bến cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, Thuỷ Nguyên) cũng không khá hơn. Bến cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Đây là nơi neo đậu thường xuyên của hàng nghìn tàu thuyền. Sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, đến nay luồng lạch bến cá bị bồi lấp, nhiều đoạn chỉ rộng từ 4 đến 5m, độ sâu từ 0,2 đến 0,8 m.
Theo chính quyền địa phương, mỗi khi mùa mưa bão, các tàu thuyền ra vào bến gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến hoạt động tránh trú, neo đậu tàu, thuyền và mua bán thủy, hải sản của hàng trăm người dân. Ngư dân mất nhiều thời gian chờ đợi, neo đậu ngoài bến. Do đó, việc mua bán, tiếp nhiên liệu cho tàu, chuẩn bị ra khơi gặp nhiều khó khăn.
Cần sớm đầu tư, nâng cấp
Cũng là 1 cảng cá chỉ định của TP Hải Phòng, cảng cá Trân Châu, xã Trân Châu (huyện Cát Hải) có diện tích hơn 30ha, được đầu tư với số vốn gần 300 tỷ đồng. Theo thiết kế, cảng cá có thể tiếp nhận 240 lượt tàu/ngày, công suất đến 600CV và thu hút khoảng 24.000 tấn thuỷ sản qua cảng một năm. Thế nhưng, đến nay, sau 3 năm công bố mở cảng, toàn bộ khu vực hậu cần nghề cá cảng Trân Châu bị bỏ hoang, để cỏ mọc.
Anh Đinh Viết Cường – chủ tàu cá ở xã Lập Lễ (huyện Thuỷ Nguyên) cho biết, việc tàu thuyền khai thác thuỷ sản không vào cảng Trân Châu là do luồng vào cảng hẹp, dễ va vào đê chắn sóng gây hỏng phương tiện và nhất là cảng chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc bán hải sản và mua nhu yếu phẩm chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo, như: đá lạnh, xăng dầu, thay thế thiết bị máy móc… phải tăng bo hoặc chờ đợi, rất bất tiện.
Được biết, để khắc phục những bất cập về hạ tầng nghề cá, những năm qua, TP Hải Phòng triển khai một số dự án, đầu tư, nâng cấp, mở rộng khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền. Điển hình như, cảng cá Ngọc Hải được bố trí 15 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa, nạo vét luồng, làm lại mặt bến. Hiện, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp khu neo đậu Đông Xuân, Mắt Rồng với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Xây dựng cảng cá kết hợp khu neo đậu Quán Chánh giai đoạn 2 với kinh phí 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư nhỏ giọt dẫn đến việc dù được xác định là Trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước nhưng đến nay TP Hải Phòng chưa có cảng cá đáp ứng tiêu chí cảng loại 1 theo quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm