Với sự phát triển của KH-KT và chống biến đổi khí hậu cũng như thay đổi về quá trình sản xuất kinh doanh, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi.
Thông tin tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng có không ít tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi.
Theo đó, ông Hiếu đã chỉ ra 4 nội dung trọng yếu cần chú trọng xem xét và có giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện trong thời gian tới.
Thứ nhất, theo ông Hiếu, “có vẻ chính sách ổn định quá” khi các hiện quy định liên quan mới có Luật Điện lực năm 2004, sửa đổi năm 2012; Quyết định số 28 về giá bán điện năm 2014… Tuy nhiên thực tế ngành điện thay đổi rất nhanh chóng nên sự ổn định là chậm thay đổi.
Thứ hai, ông Hiếu cho rằng, về mặt nội dung, vì đầu tư ngành điện rất lớn, đứng từ góc độ các nhà đầu tư thì hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ. Nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt. Vì vậy, trong một số trường hợp, thiếu sự đồng bộ.
Nội dung thứ ba, theo ông Hiếu là cơ sở pháp lý, nhà đầu tư cần sự vững chắc thì hiện Việt Nam đang điều hành khá nhiều ở quyết định, điều này cần phải xem xét.
Điểm nhấn thứ tư, theo ông Hiếu là việc ngành điện đang thiếu tính thị trường. “Trong bối cảnh hiện nay, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững”, ông Hiếu đánh giá.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, khả năng tiếp cận điện năng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút đầu tư.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ ra hiện nay giá điện đang chưa theo cơ chế thị trường.
Dẫn chứng là các chi phí đầu vào như giá dầu, than, khí đã theo thị trường, nhưng giá điện đầu ra không phản ánh đúng chi phí.
Thực tế có lúc giá điện điều chỉnh quá lâu khi 4 năm giữ nguyên, đến khi điều chỉnh lại không tính đúng tính đủ chi phí đầu vào. Điều này gây ra lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 47.500 tỉ đồng, gây khó khăn cải thiện dòng tiền để ngành điện tái đầu tư nguồn và lưới.
Thêm nữa, giá điện hiện đang phải thực hiện nhiệm vụ đa mục tiêu. Vừa phải đảm bảo yêu cầu tính đúng tính đủ chi phí, khuyến khích đầu tư, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng lại vừa phải kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Những mục tiêu này ngược chiều nhau, nên việc xử lý khó hài hòa, không đạt yêu cầu đặt ra.
Ông Thỏa cũng chỉ ra cơ chế bù chéo iá điện kéo dài nhiều năm nhưng chưa có phương án khắc phục.
Đó là việc bù chéo trong các bậc thang của nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt; bù chéo giữa giá sinh hoạt với sản xuất, bù chéo giữa các vùng. Vì vậy giá điện chưa đảm bảo đúng nguyên lý về giá cả thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Đồng tình với quan điểm giá điện đang phải thực hiện quá nhiều mục tiêu đang tạo áp lực lớn, ông Bùi Xuân Hồi - chuyên gia kinh tế năng lượng - chỉ ra với cơ cấu nguồn điện hiện nay, điện than, khí có vai trò quan trọng nhưng chi phí đầu vào giá than và khí liên tục tăng. Vì vậy không thể kỳ vọng chi phí đầu vào giá điện sẽ giảm.
Thêm nữa, Việt Nam thực hiện Net Zero với điện sạch, thì không thể có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời công suất phát tối đa 4 tiếng/ngày, điện gió phập phù. Như vậy giá thành cung ứng điện nói chung sẽ tăng lên.
Tiếp đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khuyến nghị cần phải có quan điểm về tính giá thành điện, tính đúng tính đủ. Đồng thời không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách trong cơ chế giá điện.
Cùng đó, cơ chế tài chính cần minh bạch hơn, thúc đẩy thị trường và tăng tính cạnh tranh trong tất cả các khâu. Như vậy sẽ kiểm soát độc quyền và người tiêu dùng có cơ hội hưởng giá cả cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hồi cũng cho rằng nếu giá điện điều hành theo hướng đa mục tiêu, thì người bán điện lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN, hiện chỉ nắm một chút nguồn và phải đi mua điện của nhiều nơi, sẽ phải chấp nhận lỗ, tức Nhà nước mất vốn.
Việc không có lợi nhuận sẽ không đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền và việc tái đầu tư vào ngành điện. Khi không thể có nguồn và lưới điện, có thể dẫn tới khả năng thiếu điện tiếp tục xảy ra.
Vì vậy, ông khuyến nghị Thủ tướng cần tiếp tục quyết liệt ở cải tiến cơ cấu biểu giá lẻ điện. Bởi không thể để một văn bản quan trọng về điều hành giá điện áp dụng từ năm 2014 đến nay chưa được điều chỉnh.
Cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn. Xăng dầu hiện nay điều hành một tuần/lần, điện có thể không làm được như vậy nhưng có thể quy định ở cấp độ luật điều chỉnh 3 tháng/lần điều chỉnh thì giá điện sẽ cơ bản ổn định hơn.