Đây là lời nhận định của ông Nguyễn Cao Cường – Founder & CEO The Lover Homestay khi chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>“Lấp khoảng trống” nhân sự du lịch
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Cao Cường – Founder & CEO The Lover Homestay đưa ra quan điểm: “Sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay có nhiều độc đáo như cam Hà Giang, mật ong Bắc Hà, khăn thổ cẩm,… nhưng không còn mới lạ. Chúng ta đang đưa ra một bài toán mới cho du lịch là gắn các sản phẩm OCOP vào du lịch, phát triển du lịch nông thôn,v.v. nhưng xét thực tế với các sản phẩm như khăn thổ cẩm hiện nay chỉ là sản phẩm "thủ công giập bằng máy" từ Trung Quốc mang về, được thiết kế bởi những xưởng sản xuất gần biên giới nên không còn dấu ấn gì của bà con. Tất nhiên xu thế hàng hóa càng ngày càng phải rẻ đi, nhưng những sản phẩm đó chỉ chiều được lòng của các du khách ồn ào; còn những chiếc khăn thổ cẩm được dệt thủ công thật sự thì không được mua vì giá thành cao hơn và số lượng ít, mẫu mã không đặc sắc,…”
Ông Cao Cường nhấn mạnh: “Cốt lõi ở đây là sản phẩm du lịch của Việt Nam đang quá nghèo nàn. Trong khi thị trường của chúng ta đang phát triển và bắt đầu lớn lên. Các sản phẩm chất lượng cao chưa được ra thị trường và đang đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn như rặng san hô đỏ Hòn Yến – Phú Yên hay trải nghiệm với dịch vụ của Amanoi 6 sao Ninh Thuận đều là các sản phẩm chất lượng cao nhưng chỉ dành cho một số ít người được trải nghiệm”.
Theo góc nhìn của CEO Nguyễn Cao Cường: “Chúng ta đang nhầm hai từ đa dạng. Trong du lịch, đa dạng phải là đa dạng trong trải nghiệm của du khách, chứ không phải đơn thuần đa dạng về số lượng sản phẩm dành cho khách du lịch. Các trải nghiệm cho khách của chúng ta không có tính đổi mới. Ví dụ như cũng tour du lịch Mộc Châu, khách du lịch nào cũng thăm rừng đào, thăm rừng hồng,…Hàng trăm người cùng trở về và kể các câu chuyện như nhau về một địa điểm. Còn hồn cốt ở đó là gì? Đó chính là văn hóa, là con người ở Mộc Châu, là đặc trưng sắc thái, lễ tết,… Xét ở góc nhìn khác, du khách nước ngoài lại thích trả tiền để tìm hiểu”.
>>Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam
>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững
Khách nước ngoài khi đến Việt Nam nhất định chọn các điểm du lịch trung tâm như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An… Nhưng các tỉnh khác có gì để thu hút để họ nhất định phải đến như vậy? Ông Cường đặt câu hỏi và chia sẻ thêm: Gần đây, Ninh Bình đang được xem là địa phương hút khách nước ngoài và khách trong nước đến rất nhiều vì họ đang khai thác rất tốt giá trị tự nhiên như núi, đầm, ruộng lúa… Các yếu tố tự nhiên này kết hợp với yếu tố văn hóa đã được khai thác có hiệu quả trong những trải nghiệm mới cho du khách. Hay nói tới Hà Giang, đặc sắc của yếu tố tự nhiên vẫn mãi là số một để thu hút du khách, tiếp đến văn hóa bản địa rồi mới đến các công trình kỳ vĩ khác.
“Nếu chỉ trông đợi việc đầu tư vào địa phương thì việc đầu tư đó phải đến từ những nhà đầu tư thật sự xuất sắc. Chỉ có như vậy, địa phương mới có sản phẩm du lịch xuất sắc ra đời. Vì khi họ đầu tư, họ sẽ tôn trọng thiên nhiên, hài hòa với văn hóa bản địa” – ông Cường khẳng định.
Nhìn nhận về việc lồng ghép các sản vật địa phương vào khai thác du lịch theo ông Cường có tính hai chiều. Một là khách du lịch sẽ góp phần tiêu thụ nông sản địa phương. Hai là các địa phương có một nguồn khách tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho họ. Vậy nhưng ông Cường cho rằng sự tương tác hai chiều này chưa cao.
Nhìn nhận thực tế về tính đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tăng trải nghiệm cho người dùng, chúng ta đang thấy một loại hình du lịch dễ được khai thác chính là sản phẩm thổ cẩm, sản phẩm được làm bằng thủ công của các hợp tác xã và các làng nghề. Tuy nhiên, thủ công hiện nay rất ít, nhập máy móc là phần lớn để đảm bảo số lượng và giá thành bán ra nên tất cả vẫn là tự cung tự cấp. Ngoài ra còn có Làng du lịch văn hóa cộng đồng. Những nhà đầu tư vào hoạt động này cũng phải có sự đầu tư về văn hóa, kiến thức, bản địa… Họ hòa nhập nhưng không hòa tan, đảm bảo việc bảo tồn văn hóa địa phương.
“Bởi đó, tôi cho rằng Việt Nam đang thiếu kiến trúc sư trưởng để thiết kế, đóng gói sản phẩm du lịch Việt riêng có tại từng địa phương. Hiện ta thấy tất cả các tỉnh thành đều đang là xưởng du lịch đóng khuôn các sản phẩm na ná nhau” – ông Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Ông Cường cho biết thêm, một doanh nghiệp lữ hành hoặc homestay từ xây dựng tour hay thiết kế văn hóa lồng ghép trong không gian của homestay… thì cũng chỉ là một sự đầu tư nhỏ, mỗi thứ một chút để làm nổi bật sản phẩm của họ. Và việc đổi mới sản phẩm hoặc tăng tính độc đáo trong trải nghiệm của khách hàng như vậy cũng là một trong số vô vàn các địa phương đang rất cần như thế. Nhưng đó vẫn là đầu tư manh mún, rời rạc trong tổng thể tiềm năng du lịch Việt Nam.
Ông Cao Cường bày tỏ những trăn trở: “Trong chuỗi tổng thể này, Việt Nam còn dư thừa tiềm năng. Nhưng để tạo ra được các sản phẩm mới lạ thì đang rất hạn chế. Việt Nam đang sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời nhưng chưa có sự đầu tư đủ lớn và bài bản để tạo ra một sản phẩm độc đáo".
Có thể bạn quan tâm
Tiền Hải (Thái Bình) ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng
20:56, 17/12/2022
OCOP đến với du lịch
03:00, 17/12/2022
Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ III): Cần giải pháp bền vững
02:00, 17/12/2022
Thái Bình: Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch
10:41, 17/12/2022
“Lấp khoảng trống” nhân sự du lịch
03:53, 16/12/2022