Minh bạch thị trường xăng dầu là vấn đề cấp thiết để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Đón doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu
Công khai, minh bạch đối với thị trường xăng dầu không chỉ là yêu cầu của quản lý Nhà nước mà còn là nhu cầu đòi hỏi của tiêu dùng, của xã hội và cũng mong muốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng xăng dầu, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giúp cho việc giám sát điều hành thị trường đạt các mục tiêu đề ra, khắc phục có hiệu quả tình trạng điều hành theo ý muốn chủ quan và ngăn ngừa việc hình thành một “thị trường ngầm” trong kinh doanh gây bất lợi cho nền kinh tế.
Xuất phát từ đó, chủ trương công khai, minh bạch đối với thị trường xăng đầu đã được chú trọng thực hiện đảm bảo tính minh bạch và công khai từ thiết chế quản đến vận hành thị trường và thông tin tuyên truyền.
Cụ thể, minh bạch từ việc xây dựng và ban hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, trong đó: đã quy định chi tiết, rõ ràng về điều kiện kinh doanh xăng dầu, điều hành giá, quỹ dự trữ lưu thông, quỹ bình ổn giá; sự phối kết hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành thị trường từ sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng sản phẩm…
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/4/2014 yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện công bố công khai trên website của Bộ Công thương, của các đơn vị kinh doanh và thực hiện công tác tuyên truyền bằng các hình thức thích hợp về giá xăng dầu thế giới, danh sách doanh nghiệp đầu mối, thị phần kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, kết cấu hình thành giá cơ sở, mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng quỹ bình ổn giá…
Thực tế vận hành thị trường, tôi nhận thấy chúng ta đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như trên về công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành của pháp luật về điều hành giá, tôi nghĩ cần được xem xét để quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn một số nội dung sau:
Thứ nhất, thường xuyên tổng kết, đánh giá công khai tính tuân thủ pháp luật kinh doanh xăng đầu của các doanh nghiệp; công khai các đánh giá này, các hình thức vi phạm, danh tính các đơn vị vi phạm, kết quả xử lý các vi phạm.
Thứ hai, cần xây dựng một quy chế tính giá riêng, cụ thể hơn cho mặt hàng này, quy định rõ và chi tiết các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ được tính và giá thành và các chi phí không được tính vào giá thành, giá bán.
Thứ ba, quy định về nội dung: “Khi giá xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Đây chính là quy định không minh bạch vì quy định quá chung chung, thiếu định lượng sẽ không ai hiểu biến động thế nào và biến động bao nhiêu là bất thường; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống được đánh giá bằng bao nhiêu tiêu chí, những tiêu chí già và mức độ ảnh hưởng như thế nào?
Thứ tư, là còn hạn chế về thể chế hướng dẫn các phương thức kinh doanh xăng dầu hiện đại, thị trường phái sinh đối với xăng dầu.
Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu: Đừng "giơ cao đánh khẽ"
Mới đây, Bộ Công thương vừa ban hành quyết định thanh tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương, gồm 33 đầu mối kinh doanh trong giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến 11/02/2022.
Bàn về vấn đề này, tôi nghĩ cần phải đánh giá một cách công bằng là công tác kiểm tra, kiểm soát về kinh doanh xăng dầu của ngành Công thương mà chủ lực là lực lượng quản lý thị trường, Sở Công thương các tỉnh, kết hợp với các lực lượng khác theo quy định pháp luật đã được tổ chức thực hiện thường xuyên, có như vậy chúng ta mới phát hiện được nhiều vụ việc gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu đã được công khai như: nhập lậu, buôn lậu, bán xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng…
Vụ việc Bộ Công thương tổ chức thanh tra đột xuất hiện nay khi hoạt động của thị trường diễn ra bất bình thường là đúng quy định của pháp luật, là cần thiết, cần phải làm. Nhưng tôi cho là chậm về thời gian so với diễn biến của tình hình, cồng kềnh về tổ chức thực hiện, nội dung kiểm tra lại tham vọng quá nhiều, mất tính thời điểm và kết quả thì còn phải chờ…
Để tránh tình trạng thiếu minh bạch trong kinh doanh xăng dầu có nhiều việc phải làm, nhưng có lẽ có ba việc cốt lõi phải chú trọng. Trước hết là minh bạch về hệ thống pháp luật và tuân thủ pháp luật; tiếp đến là minh bạch về thông tin (không được bưng bít hoặc làm sai lệnh thông tin) để doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội đều có thể tiếp cận được thông qua việc công khai bằng mọi hình thức thích hợp các thông tin, các quy định của pháp luật, cung-cầu, thị trường, giá cả, biện pháp điều hành. Và cuối cùng, kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung trên thị trường luôn đáp ứng đủ nhu cầu trong mọi tình huống thì công tác dự báo cung – cầu phải đặc biệt coi trọng để có chiến lược sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu hợp lý. Thực hiện đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia thị trường, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc kinh doanh thị trường, có cạnh tranh trong kinh doanh, có giá thị trường thực sự trên cơ sở bãi bỏ cách định giá theo chu kỳ; kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để thao túng thị trường.
Có thể bạn quan tâm
04:01, 24/02/2022
05:00, 23/02/2022
04:00, 23/02/2022