Dịch COVID-19 lan rộng từ Trung Quốc sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến mục tiêu của hàng loạt nền kinh tế.
Châu Á - đặc biệt là Trung Quốc, mà cả Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và nhiều nước Đông Nam Á - đã trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu khi các quốc gia này đang nổi lên và cạnh tranh nhau để trở thành xưởng sản xuất hoặc lắp ráp thế giới và và có "tỷ trọng" đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, với dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các quốc gia đã khiến chính phủ nhiều nước phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các thách thức mới.
Có thể bạn quan tâm
13:40, 17/02/2020
11:01, 17/02/2020
11:00, 17/02/2020
07:00, 17/02/2020
Cụ thể, COVID-19 sẽ tiếp tục là một gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất. Giới quan sát cho rằng dịch bệnh có thể khiến nhà tổ chức giới hạn số lượng tham gia sự kiện Tokyo Marathon diễn ra vào tháng Ba.
Tương tự, Singapore đã chủ động hạ dự đoán tăng trưởng cho năm 2020 giữa "bão" COVID-19. Theo Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 0,5% trong năm nay. Singapore đồng thời hạ dự đoán tăng trưởng GDP vào khoảng -0,5% và 1,5%, so với kỳ vọng 0,5-2,5% trước đó.
Dự tính, chính phủ Singapore sẽ nhanh chóng áp dụng ác biện pháp giới hạn tác động của dịch bệnh vào ngày 18-2. Trung Quốc hôm 16-2 cũng đề ra kế hoạch giảm thuế và chi tiêu theo giai đoạn nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời khó khăn.
Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cũng công bố sẽ hỗ trợ 250 tỷ won (211,3 triệu USD) cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong những ngành nghề gặp thiệt hại về kinh doanh do tiêu dùng giảm, như du lịch, biểu diễn; hoặc chịu thiệt hại do các đối tác chính chậm cung ứng; hoặc gặp trở ngại trong xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa với Trung Quốc.
Đến tuần thứ hai của tháng Ba tới, các nhà máy vẫn không biết liệu có thể nhận nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc hay không, việc thắt nút ở khâu sản xuất thành phần giá trị thấp nhưng sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm có giá trị cao hơn, khiến hoạt động sản xuất bị trì trệ.
Có thể thấy, việc hình thành mạng lưới cung ứng hoặc chuỗi giá trị khổng lồ và phức tạp đã làm các quốc gia chịu "tác động chuỗi" khi xảy ra những biến động về địa chính trị, môi trường... Đáng chú ý, đây không phải vấn đề chỉ xảy ra một lần và không chỉ giới hạn trong khu vực, mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Trong quá khứ, đã có nhiều chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi có những hiện tượng tiêu cực xảy ra tại châu Á, khu vực "trung tâm sản xuất" của thế giới.
Ngay sau trận động đất, thảm họa sóng thần ở Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, Chủ tịch của Ngân hàng châu Á Haruhiko Kuroda khi đó đã lên tiếng về việc các quốc gia cần cẩn trọng với tác động do những thảm họa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này ngay lập tức đã được chứng minh khi việc sản xuất các thành phần và nguyên liệu quan trọng tại Nhật Bản đã buộc phải ngưng lại để tập trung khắc phục sau thảm họa.
Hay khi xảy ra dịch SARS vào năm 2003, dù mức độ lây nhiễm, tử vong của dịch SARS thấp hơn so với dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại nhưng thế giới, trong đó có Việt Nam cũng đã chới với. Sang đến khủng hoảng tài chính thế giới (2008-2009), tuy Mỹ đã nhanh chóng nhận diện và có phương án xử lý nhưng kinh tế toàn cầu cũng bị chao đảo. Phải mất 10 năm, Mỹ mới có thể phục hồi lại mức cũ.
Các chuyên gia của Fitch Solutions Macro Research mới đây dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm từ mức 4,3% của năm 2019 xuống còn 4% nếu dịch bệnh nói trên khiến kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác giảm tốc hơn nữa.
Mặc dù vậy, như chuyên gia phân tích Peter Sand nhận định, sự gián đoạn sẽ không diễn ra dài hạn do hoạt động chuyển hướng từ Trung Quốc dự báo sẽ có sự phát triển ồ ạt, với khả năng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại đáng kể, thậm chí, bị đánh sập và đảo ngược sự toàn cầu hóa của các hoạt động kinh tế.
Trung Quốc vẫn giữ vai trò là trung tâm của chuỗi cung ứng thế giới, nhưng nhiều hoạt động sản xuất đã được chuyển dịch đến các quốc gia khác ở châu Á. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đã có thể có nhiều nguồn hàng dự phòng hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, các dịch bệnh như SARS, COVID-19 hoặc các thảm họa tự nhiên như ở Fukushima vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí các vấn đề do con người gây ra cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng đang gia tăng.
Do đó, đây là lúc nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố tiêu cực cần phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết để các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới nghiên cứu và đo lường những rủi ro; đồng thời, chuẩn bị các "vắc xin" phòng chống, đối phó, hạn chế tối đa thiệt hại lên chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ ngày một gia tăng.