Bình luận

Cần lời giải cho bài toán tăng trưởng tín dụng

YẾN NHUNG 04/08/2024 03:00

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, không thể chỉ phụ thuộc vào phía ngân hàng...

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Trong khi đến cuối tháng 5/2024, mức tăng mới là 2,41%. Và chỉ riêng tháng 6/2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng này đã đạt kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5%-6%.

20221123154948-12von-vay-4948.jpg
Tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023 - Ảnh minh họa: ITN

Điều đáng nói, tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng 2,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; công nghệ cao tăng 18,16%... Với bất động sản, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng lĩnh vực này tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% tổng tín dụng bất động sản…

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng đi lên và trong thời gian ngắn, một dòng vốn lớn từ tín dụng ngân hàng đã được bơm vào nền kinh tế qua các khoản giải ngân cho vay. Tín dụng tăng trưởng nhờ nhu cầu vay phục hồi, đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách giảm thuế, phí giá trị gia tăng và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả.

Dù vậy, ước tính tăng trưởng tín dụng 7 tháng vẫn đạt khoảng 14,5% so với cùng kỳ, gần sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của Ngân hàng Nhà nước là 15%. Song, mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng cũng như các ngành nghề không đồng đều. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của hệ thống, nhưng cũng có ngân hàng có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung.

1702_05.jpg
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh minh họa: ITN

Do đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra từ đầu năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ sửa đổi cơ chế của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội theo hướng nâng mức ưu đãi cho người mua nhà với lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (hiện tại là thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).

Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.

“Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh cho vay liên kết, hệ thống, chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa”, ông Tú nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị, trước tiên, các ngân hàng cần tăng cường số hóa để mở rộng cơ sở khách hàng đến những doanh nghiệp chưa được phục vụ, thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững và cho vay/tiền gửi xanh để đáp ứng nhu cầu tiền gửi ngày càng tăng.

Bên cạnh các giải pháp từ ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thúy Hạnh cho rằng, quy trình phê duyệt hợp lý đối với các dự án FDI sẽ giúp đẩy nhanh dự án nhằm tạo ra nhu cầu tín dụng mới từ các dự án đó. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh phê duyệt quy định cho các dự án bất động sản, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

“Bất động sản là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thu hút cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ do chậm trễ trong việc thông quan. Những trở ngại này đã tạo ra nút thắt cho ngành và làm chậm tăng trưởng tín dụng. Quy trình thông quan về mặt pháp lý nhanh chóng sẽ cho phép nhiều dòng vốn đầu tư hơn và triển khai các dự án mới, những yếu tố cơ bản cho tăng trưởng tín dụng”, bà Hạnh nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần lời giải cho bài toán tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO