Kinh tế

Cần Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Nguyễn Việt thực hiện 07/09/2024 04:16

Việc đàm phán, sớm ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao tính chính ngạch của hàng hoá Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

TS LÊ DUY BÌNH
TS LÊ DUY BÌNH

DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, xung quanh vấn đề này.

- Để mở rộng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, theo ông, chúng ta có nên thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng này?


Hiện nay, thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên “khó tính”; các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được nâng cao. Do đó, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải điều chỉnh, từ chất lượng hàng hoá đến tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất trong nước.

Như vậy, các hành vi hay phương thức giao dịch thương mại cũng sẽ phải trở nên chính thống, đi theo con đường chính ngạch. Đây là xu thế chung, vì với những thị trường khác, Việt Nam cũng đã có cách làm bài bản và tuân thủ theo yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu.

Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, việc thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Nghị định thư là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao tính chính ngạch hàng hoá Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Được biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đang đề nghị góp ý cho dự thảo Nghị định thư đối với thuỷ sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Trung Quốc đang yêu cầu các đối tượng tham gia vào quá trình này phải có mã số, phải có vùng nuôi, phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc… Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc mới được tham gia vào công đoạn xuất khẩu thủy sản sống sang thị trường này.

Bieu do T10
Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

- Theo ông, việc ký Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ mang lại ưu thế nào cho thuỷ sản của Việt Nam?


Nếu Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sẽ đảm bảo cho chúng ta có được một khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn, thông qua các tiêu chuẩn cụ thể hơn, thị trường minh bạch hơn.

Các giao dịch hàng hoá sẽ minh bạch hơn; trong quá trình giao dịch có thể bảo vệ được cho các doanh nghiệp Việt Nam, như giao dịch qua ngân hàng hoặc các yêu cầu giao dịch chính ngạch.

Khi giao thương chính thống sẽ bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hoá để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

- Hiện nay, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?

Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng, khai thác, đến thu hoạch, thu gom, vận chuyển, bao gói, xuất khẩu và tiêu thụ.

Trung Quốc đang đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với thủy sản sống xuất khẩu, bao gồm sản phẩm xuất khẩu nằm trong Danh mục được Trung Quốc công nhận 48 loài thủy sản động vật, thủy sản sống. Các cơ sở nuôi phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm/điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số/lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi.

Riêng với tôm hùm bông, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành năm 2021. Do đó, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán tôm hùm bông tự nhiên.

Cách xác định tôm hùm bông nuôi của Trung Quốc là không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi, con giống phải là F2; nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.

Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc). Các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông tự nhiên nhập khẩu.

Các cơ sở bao gói của Việt Nam nằm trong danh sách đăng ký xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc sẽ phải thực hiện yêu cầu về thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang thị trường này theo Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT và Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT.

Bên cạnh đó, hoạt động thẩm định cấp giấy chứng nhận xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc hiện cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Bởi vì, các lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu biên mậu. Do đó, các doanh nghiệp lưu trữ bằng chứng xuất khẩu không đầy đủ.
Ngoài ra, việc thẩm tra xuất xứ nguyên liệu tại vùng nuôi cần thống nhất về tần suất, tỷ lệ lô hàng được thẩm tra/số lô hàng xuất khẩu. Hệ thống thông tin, dữ liệu về các cơ sở nuôi/vùng nuôi chưa được lập, cập nhật trong cả nước…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO