Bình luận

Cân nhắc ngưỡng doanh thu được hưởng thuế suất ưu đãi

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 23/08/2024 04:00

Đánh giá cao các đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, góp ý hoàn thiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại ngưỡng doanh thu được hưởng thuế suất ưu đãi…

Theo đó, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17% thay vì mức 20% như thuế suất phổ thông hiện hành.

can-nhac-nguong-doanh-thu-huong-thue-suat-uu-dai-24.3.1.1.jpg
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17% thay vì mức 20% - Ảnh minh họa

Cụ thể, Dự thảo quy định, doanh nghiệp có tổng doanh thu/năm dưới 3 tỷ đồng sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15%. Những doanh nghiệp có tổng doanh thu/năm trên 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng sẽ chịu thuế suất 17%. Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách...

Đánh giá về đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp rất cụ thể và thiết thực, là tin vui đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bởi đây là nhóm doanh nghiệp được đánh giá còn nhiều khó khăn và yếu thế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì vẫn còn đó những quan ngại, bởi với ngưỡng doanh thu được hưởng thuế suất ưu đãi còn thấp, không phù hợp với thực tế phát triển hiện nay.

can-nhac-nguong-doanh-thu-huong-thue-suat-uu-dai-24.3.1.2.jpg
Đánh giá cao mục tiêu chính sách, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại ngưỡng doanh thu được hưởng thuế suất ưu đãi bởi mức được đề xuất quá thấp so với thực tế phát triển hiện nay - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, với mức doanh thu dưới 3 tỷ đồng mới được hưởng thuế suất 15% thì sẽ có rất ít doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi này, bởi hiện nay không hiếm trường hợp một hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ cũng có doanh thu/năm lên tới 5 - 7 tỷ đồng. Trong khi mục tiêu chính sách nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, vấn đề quan trọng của chính sách là mức xác định thế nào là doanh nghiệp siêu nhỏ và thế nào là doanh nghiệp nhỏ. Nếu nói doanh nghiệp siêu nhỏ theo mức tổng doanh thu trong 01 năm chỉ dưới 3 tỷ đồng mới được áp dụng mức thuế 15% thì chưa hợp lý bởi, đây là mức quá thấp, điều kiện cực kỳ “khắt khe” nên chỉ rất ít doanh nghiệp đạt được. Vì thế chưa đủ hấp dẫn để mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Cũng theo vị chuyên gia này, tương tự, ngưỡng doanh thu để xác định doanh nghiệp nhỏ nhằm áp dụng thuế suất 17% cũng phải được xem xét theo hướng nâng cao hơn. Nếu theo quy định như dự thảo đề xuất thì doanh nghiệp trên 50 tỷ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế.

Và từ thực tế đã nêu, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho hay, cơ quan soạn thảo nên có sự cân nhắc và điều chỉnh ngưỡng doanh thu được hưởng ưu đãi, bởi nếu không có sự thay đổi mà vẫn giữ nguyên ngưỡng như đề xuất, luật có nguy cơ “lỗi thời” sau khi được ban hành, đặc biệt, các doanh nghiệp cũng sẽ khó thể tiếp cận được chính sách để phát triển và tăng sức cạnh tranh.

Đánh giá về đề xuất tại Dự thảo Luật (sửa đổi), Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Đức Nghĩa bày tỏ, quy định trong Dự thảo của Bộ Tài chính áp dụng thuế suất 15 - 17% cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là khó xác định doanh thu, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực.

Đặc biệt, ngưỡng doanh thu để được hưởng thuế suất ưu đãi này là quá thấp, nếu áp dụng thì cũng rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp cận được thuế suất ưu đãi 15% nên sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ họ. Chưa kể doanh nghiệp hoạt động thương mại thường sẽ có doanh thu lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp sản xuất nên việc cào bằng cũng chưa hợp lý.

Do vậy, vị chuyên gia này đề xuất, cơ quan soạn thảo nâng mức doanh thu đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 15% tăng cao hơn và chia theo ngành nghề. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu/năm không quá 50 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại có tổng doanh thu/năm không quá 100 tỷ đồng.

Còn đối với các doanh nghiệp để được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 17% thì doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng. Riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng.

Được biết, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến gồm 5 Chương, 25 Điều. Dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cân nhắc ngưỡng doanh thu được hưởng thuế suất ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO