Việc chưa phê duyệt quy hoạch điện VIII và cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) khiến nhà đầu tư chưa xác định được chiến lược đầu tư trong giai đoạn mới.
>>06/01/2023: Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới”
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Thức - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom holdings tới Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Thức hiện nay cộng đồng năng lượng tái tạo đang chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ sau khi cơ chế chính sách ưu đãi (giá FiT) đã hết hạn. Đặc biệt nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn Việt Nam sớm có xây dựng được thị trường điện cạnh tranh góp phần phát triển bền vững hệ thống điện.
- Thưa ông, với vai trò là nhà đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo, vậy ông có những nhận xét về thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Là nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực NLTT, chúng tôi đánh giá sự ra đời của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; Quyết định 13/2020/QĐ-TTg đối với điện mặt trời; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đối với điện gió của Chính phủ thực sự là những quyết sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, mở ra hướng đi mới để đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện cam kết phát thải ròng “0” vào năm 2050.
Góp chung vào công cuộc chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải nhà kính, Công ty CP Đầu tư Hacom Holding cũng đầu tư vào các dự án năng lượng điện gió, điện mặt trời, thủy điện tại nhiều địa phương như Ninh Thuận, Đăk Nông, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bạc Liêu… Đặc biệt, Công ty đang vận hành một số Nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất phát điện gần 200MW.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, chúng tôi cho rằng chính sách của Nhà nước với dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời cần phải tiếp diễn, trong đó phải ban hành những cơ chế, quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng để có cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trong các giai đoạn tiếp theo từ nay đến 2025, từ 2025-2030 và sau 2030. Việc trước mắt Chính phủ cần thực thi việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cùng với việc ban hành cơ chế giá và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án gồm điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi.
>>Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Chính sách ngắt quãng làm nản lòng nhà đầu tư
- Thị trường năng lượng tái tạo cho giai đoạn mới được cho rằng đang nằm "bất động" chờ chính sách, Hacom có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Do Quy hoạch điện VIII hiện tại vẫn chưa được phê duyệt và ban hành nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục tiếp theo đối với các dự án điện gió, điện mặt trời như thẩm định bổ sung quy hoạch, đề xuất, đăng ký dự án đầu tư dự án điện, quyết định chủ trương đầu tư …
Thứ hai, là vì chưa có các quy định rõ ràng về giá bán điện và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá bán điện. Khi chưa biết căn cứ giá điện, thời hạn hợp đồng mua bán điện để tính toán phương án tài chính, hiệu quả tài chính của dự án thì các nhà đầu tư không thể ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, hiện còn chưa rõ về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, hình thức đấu thầu dự án có thể được áp dụng nên việc nghiên cứu khảo sát các dự án cũng trở nên rất rủi ro bởi các chi phí do nhà đầu tư bỏ ra đối với dự án như điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi là tương đối lớn.
Đối với Hacom Holdings, việc chưa có chính sách giá bán điện cho các dự án NLTT trong giai đoạn mới cũng ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện chiến lược đầu tư cho mảng năng lượng của Công ty đến năm 2030. Chúng tôi có một số dự án điện mặt trời và điện gió được các địa phương trình bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất khoảng 600MW, tuy nhiên hiện nay đều dừng lại chờ đợi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và ban hành cơ chế giá điện, lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra việc triển khai nghiên cứu khảo sát các dự án mới cũng đang được Hacom tiến hành một cách thận trọng.
Do đó, các nhà đầu tư như Hacom kiến nghị Nhà nước cần sớm ban phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và cơ chế giá cho các dự án NLTT để nhà đầu tư xác định rõ định hướng đầu tư và sắp xếp các nguồn lực đầu tư được hiệu quả hơn.
- Ông có thể nêu những khó khăn bất cập đối với các nhà đầu tư NLTT hiện nay ở Việt Nam, cũng như những kiến nghị của ông về vấn đề này?
Về chính sách, việc chưa phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và cơ chế giá cho các dự án NLTT khiến nhà đầu tư chưa xác định được chiến lược đầu tư trong giai đoạn mới. Đặc biệt đối với điện mặt trời hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII lùi thời hạn phê duyệt các dự án mới đến sau năm 2030.
Về đấu nối dự án, hạ tầng lưới điện truyền tải hiện nay, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng điện mặt trời và điện gió, không thể giải tỏa hết công suất của các dự án đã vận hành và đã được bổ sung quy hoạch. Điều này gây lãng phí nguồn năng lượng để phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến nguồn thu của các dự án, khiến phương án tài chính của chủ đầu tư không được đảm bảo và tạo rủi ro đối với bên cho vay dự án.
Thời gian qua, khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư vào hạ tầng truyển tải lưới điện, tuy nhiên cơ chế pháp lý chưa có nên việc quản lý vận hành phải bàn giao hoặc thuê lại EVN, các công ty truyền tải điện của Nhà nước.
Về việc triển khai đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề rắc rối. Trong thời gian qua khi triển khai các dự án điện gió và điện mặt trời, việc thỏa thuận đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) với người dân rất khó khăn, nhiều địa phương người dân có những yêu cầu giá bồi thường rất cao và rất phi lý, khó thỏa thuận. Rất nhiều dự án cả điện gió và điện mặt trời đã lỡ giá FIT vì liên quan đến vấn đề GPMB, do đó tôi cho rằng Nhà nước cần có giải pháp cụ thể hỗ trợ nhà đầu tư NLTT tại các địa phương tháo gỡ được nút thắt này.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông vận tải tại phần lớn địa phương vẫn rất kém. Các dự án điện gió đặc biệt ở khu vực miền núi trong thời gian qua gặp phải khó khăn trong khâu vận chuyển thiết bị tuabin điện gió, các thiết bị siêu trường siêu trọng đến công trường dự án do do đường xá yếu, nhỏ hẹp, giao cắt với nhiều hạ tầng kĩ thuật khác khiến nhà đầu tư phải tốn rất nhiều chi phí cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đường để vận chuyển thiết bị đến công trường dự án.
Về công tác vận hành, điện mặt trời hay điện gió tại Việt Nam đều là lĩnh vực còn mới, sau thời gian vận hành phát sinh các vấn đề kĩ thuật cần được xử lý, tuy nhiên các quy định ngành điện chưa thực sự được cập nhật phù hợp với tình hình thực tiễn. Tôi lấy ví dụ vấn đề tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi dự án điện mặt trời sử dụng hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu tấm pin trong vòng đời 20 năm của dự án. Sau vài năm vận hành, một số lượng các tấm pin phát sinh lỗi kĩ thuật cần được thay thế. Nhưng nhiều nhà sản xuất đã thay đổi dây chuyền công nghệ, không còn sản xuất model tấm pin cũ mà dự án đã mua trước đây. Lúc này chủ đầu tư phải lựa chọn các tấm pin model khác, của nhà sản xuất khác có đặc tính kĩ thuật tương đương để thay thế. Tuy nhiên Giấy phép hoạt động điện lực và nhiều văn bản khác lại quy định chi tiết thông số các tấm pin khiến chủ đầu tư không thể thay thế tấm pin có thông số khác đi một chút dù công suất là tương đương. Vấn đề là các cơ quan có thẩm quyền cần loại bỏ một số thông tin trong giấy phép hoạt động điện lực để chủ đầu tư có cơ sở pháp lý để thay thế tấm pin, đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy và phù hợp với nguồn cung cấp trên thị trường tại thời điểm đó.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
“Gỡ vướng” đầu tư năng lượng tái tạo
19:44, 27/12/2022
Năng lượng tái tạo: Chờ cú hích từ chính sách giá
11:00, 22/12/2022
Bất cập thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Chính sách ngắt quãng làm nản lòng nhà đầu tư
05:00, 19/12/2022
Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo
04:00, 06/12/2022
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang “thoi thóp” chờ cơ chế
11:00, 30/11/2022