Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, để quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
>>https://diendandoanhnghiep.vn/cong-nghe-nao-phu-hop-de-viet-nam-gia-quyet-van-nan-chat-thai-ran-sinh-hoat-245583.html
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 1,7 nghìn cơ sở xử lý chất thải rắn, gồm 470 lò đốt và hơn 1,2 nghìn bãi chôn lấp, tăng 120 bãi so với năm 2019. Khoảng 64% tổng lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, tỉ lệ thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đa số các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phục vụ cho hoạt động tiêu dùng, nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư cho công đoạn xả thải và xử lý chất thải. Vì vậy, áp lực môi trường gia tăng về số lượng và thành phần chất thải.
Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải như: chất thải được coi là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu được phân loại đúng cách. Tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải...
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương còn gặp nhiều thách thức như: hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Sự gia tăng dân số cùng với quá trình phát triển kinh tế đã làm gia tăng lượng và thành phần chất thải, trong đó có cả chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực rất lớn đến môi trường.
>>https://diendandoanhnghiep.vn/lam-sao-de-xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-thanh-tai-nguyen-245577.html
Ngoài ra, nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đưa các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các điểm tập kết/trạm trung chuyển/trạm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các khu tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện. Chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với địa phương. Nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.
Hiện nay cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải tại các địa phương còn thiếu.
Một số tỉnh, thành phố cũng chưa đưa ra các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển, trạm phân loại và các khu tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương cũng chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại, giá dịch vụ thu gom…
>>Doanh nghiệp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa "yên tâm" đầu tư
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cần xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nước ta để làm căn cứ cho việc đánh giá lựa chọn công nghệ. Các tiêu chí đánh giá này nên tập trung vào kỹ thuật sao cho phù hợp với kinh tế và môi trường bản địa. Đặc biệt, đưa ra tiêu chí khuyến khích các công nghệ hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời GS.TS Đặng Thị Kim Chi đề xuất: công nghệ xử lý chất thải rắn cần được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Phải chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu việc chôn lấp, nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Cho nên, công nghệ xử lý trên phải phù hợp với vùng đô thị, vùng đô thị xen lẫn nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, quá trình đô thị hóa cùng với gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng, ước tính đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm qua. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%.
Hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các nguyên nhân gồm: thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, có nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả.
Đại diện Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hải Dương nêu lên sự quan tâm của doanh nghiệp đối với công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải, bảo vệ môi trường về một số khó khăn, bất cập khi áp dụng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.
Theo đó, chỉ có chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại được đưa đến trạm trung chuyển, dẫn tới các đơn vị sử dụng trạm trung chuyển khó áp dụng đối với chất thải thực phẩm. Việc chưa định mức đầy đủ cho các loại phương tiện cũng sẽ gây khó khăn cho các đơn vị khi áp dụng…
Có thể bạn quan tâm
Quá tải, ô nhiễm môi trường dai dẳng ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Nghệ An
11:00, 15/07/2023
Doanh nghiệp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa "yên tâm" đầu tư
03:32, 13/07/2023
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
11:46, 01/07/2023
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
10:35, 13/06/2023