Để xử lý tro bay từ nhà máy đốt rác, UBND TP.Cần Thơ chấp nhận chủ trương xây dựng thêm nhà máy xử lý tro bay với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Cụ thể tại Công văn chấp thuận chủ trương do Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Đào Anh Dũng ký đồng ý cho Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Everbright Trung Quốc - China Everbright International Limited) - pháp nhân đang quản lý vận hành Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đầu tư xây dựng khu chôn lấp tro bay theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng.
Trước đó, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên đã đề xuất với UBND thành phố phương án lựa chọm nhà đầu tư khu chôn lấp tro bay phát sinh của Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác thải sinh hoạt) Cần Thơ theo hình thức dự án mời gọi đầu tư xã hội hóa (theo quy định tại điều 11 của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về xã hội hóa).
Phương án đề xuất của Sở TN-MT cũng nhận được ý kiến thống nhất của Sở KH-ĐT và Sở Tư pháp.
Về phía nhà đầu tư ông Chen Wei, Tổng giám đốc Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ, cũng đã có văn bản đề xuất xây dựng khu chôn lấp tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Công nghệ xử lý được đề xuất là chôn lấp theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại để xử lý lượng tro bay phát sinh của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ với lượng phát sinh khoảng 8 tấn mỗi ngày.
Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất là khoảng 80 tỷ đồng (100% nguồn vốn của nhà đầu tư) để xây dựng khu chôn lấp có diện tích 1,04 ha, trong đó, diện tích dự kiến xây dựng khu chôn lấp là 0,95 ha và đường dẫn vào khu chôn lấp dự kiến là 0,09 ha.Thời gian xây dựng dự án là 12 tháng kể từ ngày được cấp phép xây dựng và thời gian hoạt động của dự án là ít nhất 15 năm.
Về giá dịch vụ xử lý chôn lấp lượng tro bay phát sinh của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ được đơn vị đề xuất dự án đưa ra là 7,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm 10% thuế VAT). Hình thức thanh toán, đó là dựa trên hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt đã ký với thành phố tiến hành ký bổ sung phụ lục hợp đồng; thanh toán chi phí xử lý tro bay hàng tháng theo khối lượng tro bay đã xử lý chôn lấp.
Như vậy nếu nhà máy xử lý tro bay đi vào hoạt động thì địa phương phải chi trả thêm thêm 7,85 triệu đồng/tấn để xử lý tro bay cho nhà máy xử lý rác.
Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ được khởi công vào ngày 30/6/2017, đến ngày 15/10/2018, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác để vận hành thử nghiệm.
Dự án nằm trên diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm. Đơn vị quản lý vận hành nhà máy là Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ.
Từ khi đi vào hoạt động mỗi ngày nhà Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ tiếp nhận xử lý hơn 400 tấn rác thải. Sau khi xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, lượng tro xỉ còn lại khoảng 18 - 20% còn tro bay là hơn 4% (15 - 18 tấn/ngày).
Tuy nhiên theo đại diện nhà máy, số tro xỉ được bán cho các đơn vị có nhu cầu để san lấp mặt bằng. Đối với tro bay, hiện TP.Cần Thơ và phía nhà máy vẫn đang tìm phương án xử lý. Số tro bay này vẫn đang được đóng bao chứa trong kho của nhà máy.
Tuy nhiên, sức chứa của nhà kho có hạn, nếu không được xử lý kịp thời thì lượng tro bay phát sinh trong thời gian tới sẽ không còn chỗ chứa.
Có thể bạn quan tâm
Dự án nhà máy xử lý rác Cần Thơ: Tổng thầu Trung Quốc chây ì thanh toán cho thầu phụ
12:05, 19/10/2019
Hải Phòng: Cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác
05:00, 24/09/2019
ĐBSCL đau đầu xử lý rác (Kỳ II): Cần phân loại tại nguồn
06:00, 05/08/2018
Đồng bằng Sông Cửu Long đau đầu xử lý rác (Kỳ I): Vì sao Nhà máy xử lý rác lớn nhất ĐBSCL muốn “hưu non”
11:00, 02/08/2018