"Cơn lốc” mang tên nhà đầu tư Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phẩn. Điều này đang đặt ra thách thức cho hàng hóa Việt Nam.
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1992, mặc dù số vốn ban đầu chỉ dừng lại ở con số 50 triệu USD sau 2 năm đầu tiên, tuy nhiên các nhà đầu tư Thái Lan đã nhanh chóng “nhập cuộc” bằng việc tham gia ở hầu hết các lĩnh vực và chiếm được “sân chơi chiến lược” tại thị trường vốn được đánh giá là đầy tiêm năng như Việt Nam.
“Cơn lốc” nhà đầu tư Thái
Kể từ năm 1995, khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, vốn đầu tư từ khu vực này, trong đó có Thái Lan, dồn dập đổ vào Việt Nam. Tính đến tháng 3/2018, vốn đăng ký luỹ kế của nhà đầu tư này trị giá hơn 9,3 tỷ USD với 490 dự án, xếp thứ 10 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tháng 3, số vốn đăng ký cấp mới của Thái Lan đạt 30,16 triệu USD, trong đó hoạt động góp vốn, mua cổ phần trị giá khoảng 17 triệu USD.
Mới đây nhất phải kể đến hoạt động thâu tóm giữa Công ty TNHH Nawaplastic Industries, công ty con của SCG, đã mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), tăng cổ phần hiện có của Nawaplastic tại BMP lên 50,9%. Như vậy, với tỷ lệ sở hữu quá bán của Nawaplastic, Nhựa Bình Minh, đã chính thức về tay người Thái.
Trước đó, để có thể hoàn thành thương vụ này, nhà đầu tư Thái Lan liên tục đăng ký gom cổ phiếu của Nhựa Bình Minh. Cụ thể, nhà đầu tư lớn này đăng ký mua tiếp hơn 818.000 cổ phiếu BMP, mặc dù trước đó, Nawaplastic Industries đang sở hữu hơn 40,84 triệu cổ phiếu BMP, tương đương tỷ lệ 49,89% vốn.
Được biết hiện nay, SCG Thái Lan đã có mặt tại 21 công ty tại Việt Nam, đồng nghĩa với ngân sách mua bán và sáp nhập (M&A) của nhà đầu tư này lên hàng tỷ USD. Tuy nhiên, với tham vọng sẽ mở rộng tại thị trường ASEAN, SCG vẫn đang ngày đêm âm thầm thâu tóm và triển khai các thương vụ ngày càng lớn.
Điểm mặt lại các thương vụ “đình đám” cách đây không lâu có thể thấy đều có sự góp mặt của nhà đầu tư Thái Lan như thương vụ TCC Holdings thâu tóm 51% vốn điều lệ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hay TCC đã mua Metro Việt Nam (đổi tên thành MM Mega Market), cũng chính TCC đã thâu tóm thành công Tập đoàn Phú Thái ở miền Bắc, nắm giữ 19% cổ phiếu Vinamilk và đang sở hữu khối bất động sản đồ sộ tại Việt Nam
Điều đáng nói là TCC không đơn độc trong cuộc đổ bộ vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác của Thái Lan cũng đang nhanh chóng xác lập, mở rộng sự hiện hữu tại Việt Nam thông qua các thương M&A.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư Thái sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam vì Việt Nam đang thực hiện hướng phát triển như Thái Lan trong vài thập niên trước, như tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Việt Nam có thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển tốt, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí sản xuất thấp, rất thích hợp để phát triển ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa cho cả khu vực ASEAN.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2017, các chuyên gia nhấn mạnh đến chiến lược đánh nhanh thắng gọn của người Thái. Theo đó, những doanh nghiệp Thái có lợi thế về vốn sẵn sàng trả giá cao để mua đứt doanh nghiệp Việt mà họ thấy có tiềm năng phát triển. Cách thức phổ biến của các nhà đầu tư Thái là nhắm vào doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần đáng kể và sẵn sàng trả giá rất "hời" để mua bằng được. Doanh nghiệp Việt không đủ nội lực để cạnh tranh đường dài, được trả giá cao thì "gật đầu" bán ngay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Nhựa Bình Minh nhanh chóng về tay nhà đầu tư Thái.
Hệ luỵ hàng Thái lấn lướt hàng Việt
Không phải bây giờ, mà cách đây từ 4-5 năm trước, một số chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh báo nguy cơ cuộc đổ bộ đầu tư Thái, kéo theo đó là hàng Thái vào Việt Nam. Trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Chính phủ Thái đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, khai thác thị trường AEC mà điểm "nhấn" là Việt Nam.
Cụ thể, cũng ngay từ giai đoạn 2014 – 2015 người Thái đã có chiến lược rõ ràng về thị trường Việt. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu McKinsey năm 2014, có đến 52% DN Thái xác định cơ hội lớn nhất khi AEC hình thành là ở thị trường Việt Nam. Không chỉ đánh giá cao tiềm năng từ thị trường hơn 96 triệu dân mà các yếu tố về tốc độ tăng trưởng, dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng nội địa gia tăng và dung lượng thị trường ở hầu hết lĩnh vực còn rất lớn so với Thái Lan, cộng với những tương đồng về văn hóa xã hội giữa 2 nước là những điều kiện tuyệt vời cho các nhà đầu tư Thái.
Ngoài ra, về mặt thu hút FDI, Việt Nam và Thái Lan cũng đang là những đối thủ trực diện, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản. Mặc dù tại Việt Nam, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2, tuy nhiên số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan gấp tới 4 - 5 lần số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ ra rất lo ngại trước diễn biến người Thái thâm nhập ngày càng sâu thị trường Việt Nam. Theo ông, khi chiếm tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước được nhưng chắc chắn rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Kịch bản có thể dễ nhận thấy nhất là khi đã giữ quyền chi phối, doanh nghiệp Thái sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt.
Được biết, người Thái từng tuyên bố họ muốn thay thế hàng Trung Quốc và hàng chất lượng thấp tại Việt Nam.