Thủ tướng Canada Justin Trudeau dường như đang thất thế trong ván cược nhằm tăng thêm sự ủng hộ dành cho chính phủ của mình.
2 tuần trước, Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã gây chấn động giới ngoại giao bằng việc cáo buộc “các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ” đã ám sát Hardeep Singh Nijjar, một công dân Canada và lãnh đạo phe ly khai người Sikh, vào đầu năm nay.
>>Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước
Mối quan hệ Ấn Độ - Canada lập tức rơi vào khủng hoảng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi cáo buộc này là “vô lý”, trục xuất một nhà ngoại giao Canada về nước và đình chỉ cấp thị thực mới cho người Canada đến Ấn Độ.
Tới nay, các nỗ lực vận động các đồng minh như Mỹ và Anh đều chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, khi họ từ chối chỉ trích Ấn Độ cho tới khi có các bằng chứng xác thực - điều mà ông Trudeau không tiết lộ.
Ở trong nước, mọi chuyện cũng ngày càng xấu đi, làm phương hại đến uy tín của ông Trudeau. Một số chính trị gia cánh hữu cho rằng ông Trudeau công bố thông tin tình báo nửa vời để đánh lạc hướng khỏi những rắc rối chính trị trong nước.
Theo các chuyên gia, cuộc tranh cãi với Ấn Độ xảy ra vào thời điểm khó khăn đối với Thủ tướng Canada – người đã khẳng định sẽ muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp sau cuộc bầu cử 2 năm tới.
Sau 8 năm nắm quyền, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Trudeau đang ở mức thấp lịch sử, chỉ 27%. Dù đã liên tiếp chiến thắng 3 nhiệm kỳ, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Trudeau đang giảm dần qua từng năm. Đây là một nguyên nhân khiến đảng của ông Trudeau rơi vào vị trí thiểu số trong Quốc hội năm 2021.
Mặc dù ông Trudeau đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế-xã hội trong suốt thời gian nắm quyền, nhưng khó khăn bắt đầu lan tới Canada.
Nhiều người Canada thuộc tầng lớp trung lưu – thành phần cử tri quan trọng của ông - cảm thấy bị chèn ép bởi các loại thuế. Chi phí sinh hoạt và nhà ở tăng vọt bởi lạm phát, dù đã giảm từ mức đỉnh 8% vào tháng 6/2022 nhưng gần đây lại tăng trở lại lên 4%.
>>"Dấu ấn" thành công của Ấn Độ tại thượng đỉnh G20
Canada được xếp hạng trong số những quốc gia khó mua nhà nhất trên thế giới. Kể từ khi ông Trudeau đắc cử Thủ tướng, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đã tăng 45% so với mức trung bình 25% của toàn bộ OECD – vốn đã là một nhóm gồm hầu hết các nước giàu.
Vấn đề di cư cũng đang làm tổn thương nhà lãnh đạo Canada. Năm 2023, dân số Canada lần đầu tiên vượt qua 40 triệu người. Nước này tiếp nhận 432.000 người mới đến vào năm 2022, con số lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng ông Trudeau còn muốn nhiều hơn nữa, với mục tiêu có thêm 465.000 người nhập cư trong năm 2023 và 500.000 vào năm 2025. Trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở, mục tiêu này càng trở nên nhạy cảm. Khoảng 61% số người được hỏi trong cuộc thăm dò gần đây cho rằng mục tiêu nhập cư đang quá cao.
Các tranh cãi ngoại giao không phải là điều hiếm thấy dưới thời ông Trudeau. Trước đó, mối quan hệ của Canada với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2018 sau các vụ bắt giữ công dân của nhau. Vào tháng 3 năm nay, ông Trudeau còn xem xét về việc có nên tổ chức một cuộc điều tra về sự can thiệp của Trung Quốc vào cuộc bầu cử ở Canada hay không.
Tương tự, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Canada cũng khủng hoảng sau khi Phó thủ tướng Chrystia Freeland chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia vào năm 2018. Điều đó đã dẫn đến việc Riyadh trục xuất đại sứ Canada, bán toàn bộ tài sản ở nước này. Thậm chí, Canada cũng thường xuyên tranh cãi với các đồng minh liên quan tới chi tiêu quốc phòng trong NATO vốn ở mức rất thấp.
Bởi vậy, vướng vào tranh cãi ngoại giao mới đây với Ấn Độ dường như là một “nước cờ sai” của nhà lãnh đạo Canada, khi New Delhi đang là cái tên đang nổi lên mạnh mẽ trong mắt chính các đồng minh của Canada.
Như chính quan chức Canada thừa nhận, để chiến thắng trong cuộc đối đầu này, ông Trudeau sẽ cần thêm những cánh tay đắc lực từ các đồng minh như Mỹ hay Anh. Nhưng với các toan tính chiến lược của phương Tây về vai trò của Ấn Độ trong đối phó với Trung Quốc, Canada dường như không còn nhiều hi vọng.
Có thể bạn quan tâm