Theo chuyên gia, việc duy trì môi trường lãi suất cao để dập tắt lạm phát thì hậu quả là nhu cầu tiêu dùng yếu đi, nhất là ở khu vực doanh nghiệp, đó có thể là dấu hiệu báo trước về một đợt giảm phát.
>>Ngân hàng Nhà nước: Hạ lãi suất nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát
Các Ngân hàng Trung ương được coi là những cơ quan bảo vệ đáng tin cậy để thúc đẩy những điều kiện phù hợp cho tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính. Tuy nhiên, với tốc độ tăng lãi suất ở nhiều quốc gia trong năm qua cho thấy, việc tăng trưởng toàn cầu đang ngày càng trượt dốc.
Giám đốc điều hành New View Economics - David Brown cho biết, khu vực đồng Euro đã chứng kiến điều này trước tiên khi chìm trong suy thoái, nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục tăng lãi suất bất chấp chính sách tiền tệ đã thắt chặt hơn.
Còn quyết định tạm dừng tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong tuần trước, có thể sẽ tạo ra sự khác biệt đối với khả năng phục hồi của Hoa Kỳ trong vài tháng tới. Một điều may mắn nữa là, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi bờ vực phá sản sau thỏa thuận của Quốc hội, nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cận kề. Tuy nhiên, một cú sốc kinh tế lớn vẫn có thể xảy ra vào cuối năm nay, nếu Fed tiếp tục gây sức ép quá lớn đối với lạm phát.
“Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ dường như tin rằng nền kinh tế vẫn đang hoạt động quá nóng và lạm phát quá cao thời điểm này. Các yếu tố được chú ý như tốc độ tạo việc làm mạnh mẽ, với mức tăng 339.000 việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 – mức cao nhất trong 4 tháng và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường về mức tăng 190.000 việc làm hàng tháng.
Ngay cả khi lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm khá mạnh từ mức cao nhất 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 4,9% vào tháng 4/2023, thì đó vẫn là mức cao so với mong muốn của Fed. Tốc độ điều chỉnh lạm phát cơ bản vẫn tăng ở mức 5,5% trong tháng 4 là điều khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng nhất, vì nó quá cao so với mục tiêu lạm phát dài hạn 2%”, ông David Brown nhìn nhận.
Trước đó, công cụ CME FedWatch cho thấy, đa số thị trường có kỳ vọng về khả năng lãi suất sẽ không thay đổi và điều này đã xảy ra. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt đang gây ra thiệt hại thực sự, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng và khiến tăng trưởng doanh số bán lẻ ở mức chậm 1,6% so với một năm trước.
Phải chăng, tiêu dùng suy giảm sẽ đưa nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái? Chiến lược gia tại JP Morgan Asset Management – ông Kerry Craig phân tích, mua sắm có thể là một trò tiêu khiển ở Hoa Kỳ với tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và các khoản dự trữ tiết kiệm đang bị xói mòn, liệu người tiêu dùng Mỹ cuối cùng có bắt đầu chịu khuất phục và bị đẩy đến điểm phá vỡ... Xu hướng tiêu dùng của người Mỹ không phải là mới, nhìn chung, người Mỹ mua sắm nhiều hơn so với khả năng thực tế. Trong quá khứ, sức mạnh chi tiêu này đã giúp nâng đỡ nền kinh tế Mỹ trong thời gian dài.
Điều này cũng đúng trong tháng 3, khi tiêu dùng là đặc điểm nổi bật của báo cáo GDP. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 1,1% của toàn bộ nền kinh tế. Động lực đó tiếp tục sang quý 2, khi doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0,4% so với tháng trước, một số chi tiêu trong các danh mục cốt lõi cho thấy mức tăng mạnh hơn.
Song đến nay, chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát gần đây đã nhấn mạnh sự căng thẳng đang gia tăng đối với người tiêu dùng. Cụ thể, chỉ số sơ bộ tháng 5 đã giảm 9% so với tháng trước và thấp hơn 14% so với mức cao nhất trong năm vào tháng 2.
Các chuyên gia đánh giá, sự suy giảm này không phải là tín hiệu tốt cho một nền kinh tế đang đối mặt với triển vọng không chắc chắn, kết hợp với các vấn đề liên quan đến trần nợ quốc gia gây nóng thị trường vừa qua.
>>Tác động từ việc hạ lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước
Ông Kerry Craig nói: “Trong 12 cuộc suy thoái trước đây của Hoa Kỳ, đại dịch là lần duy nhất người tiêu dùng là động lực đằng sau sự suy thoái kinh tế. Thực tế, nguy cơ suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ không phụ thuộc quá nhiều vào cách người tiêu dùng cư xử, mà đúng hơn là về thói quen chi tiêu vốn của các doanh nghiệp.
Các cuộc khảo sát do các Ngân hàng Trung ương khu vực của Hoa Kỳ thực hiện cho thấy ý định chi tiêu vốn đã giảm xuống, do nhiều công ty dự đoán triển vọng nhu cầu yếu hơn và kiềm chế chi tiêu để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận. Trong lịch sử, các cuộc khảo sát này đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ là một chỉ báo về sự suy giảm đầu tư tư nhân thể hiện trong các số liệu GDP”.
Như vậy, người tiêu dùng Hoa Kỳ có khả năng sẽ được thử thách trong suốt cả năm nay, đặc biệt nhu cầu chi tiêu vốn có thể là yếu tố quyết định khi nói đến mức độ suy giảm kinh tế Mỹ.
Với tất cả vấn đề mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt, theo vị CEO của New View Economics, lạm phát gia tăng ở đất nước này là do chi phí năng lượng toàn cầu tăng đột biến từ phía cung và sẽ không tốt nếu cố gắng dập tắt nó bằng lãi suất cao hơn, mà hậu quả là nhu cầu trong nước yếu với lạm phát và đình đốn. Đó có thể là dấu hiệu báo trước cho một đợt giảm phát nguy hiểm.
Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế của châu Âu có thể sẽ buộc ECB phải đảo ngược việc thắt chặt lãi suất khá sớm. Sản lượng tại Liên minh châu Âu đã giảm 0,1% trong quý đầu tiên của năm 2023. Mặc dù lạm phát giá tiêu dùng chung đã giảm xuống 6,1% trong tháng 5, từ mức cao nhất 10,6% vào tháng 10 năm ngoái, nhưng một đợt tăng lãi suất khác sẽ không phù hợp vào giai đoạn này của chu kỳ nền kinh tế.
“Các ngân hàng trung ương nên thận trọng trong việc đưa lãi suất lên đỉnh rồi lại đẩy chúng xuống quá sâu. Đã đến lúc xuôi theo chiều gió và xoa dịu nỗi đau của nền kinh tế toàn cầu trước khi bước vào suy thoái”, vị CEO khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 05/06/2023
03:00, 03/05/2023
12:25, 14/03/2023
06:30, 17/02/2023
04:30, 21/01/2023