Cơ quan An ninh Y tế của Anh (UKHSA) vừa đưa ra cảnh báo một dòng phụ của biến chủng Omicron đang có nguy cơ phát triển nhanh trên thế giới.
>>Làn sóng Omicron đang dần suy giảm?
Hiện tại, chủng BA.2 đang được nghiên cứu nhưng chưa được xác định là một biến chủng đáng lo ngại. Anh đã xác định trình tự gene của 426 trường hợp nhiễm BA.2. UKHSA cho biết dù còn chưa chắc chắn về tầm quan trọng của những thay đổi đối với bộ gene của virus, nhưng phân tích ban đầu cho thấy tốc độ phát triển tăng lên so với dòng Omicron ban đầu là BA.1.
UKHSA cho biết thêm, 40 quốc gia đã báo cáo về sự xuất hiện của BA.2, trong đó biến chủng này xuất hiện phần lớn ở Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore. Cơ quan này vẫn đang tiếp tục theo dõi dữ liệu về biến thể này một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, các phòng thí nghiệm có thể xác nhận sự hiện diện của Omicron từ 2 đến 3 ngày sau khi được lấy mẫu xét nghiệm. Ngược lại, phải mất 2-3 tuần để xác định “Omicron tàng hình”.
Được biết, BA.2 còn có biệt danh là "biến thể tàng hình" bởi các nhà khoa học cho biết không thể phân biệt phiên bản Omicron này với các biến thể khác thông qua xét nghiệm PCR. Đã có báo cáo cho thấy nó hoạt động còn nhanh hơn các biến thể khác của Omicron ở một số khu vực trên thế giới.
Biến chủng BA.2 sở hữu nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, tuy nhiên đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt. Mặt khác, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng phiên bản BA.2 của Omicron có thể có 28 đột biến khác so với BA.1, ngay cả khi hai dòng Omicron có chung 32 đột biến.
Sự xuất hiện của phiên bản mới trên đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân chia Omicron, còn được gọi là B.1.1.529 thành ba loại chính là BA.1, BA.2 và BA.3. Vào ngày 23/12/2021, WHO đã báo cáo rằng hơn 99% trường hợp Omicron được ghi nhận là BA.1. Tại Vương quốc Anh, BA.1 vẫn đang là chủng thống trị. Tuy nhiên tại Đan Mạch, người ta cho rằng BA.2 nhiều ngang ngửa BA.1. Nước này báo cáo rằng BA.2 chiếm gần một nửa số trường hợp của cả nước và đang nhanh chóng thay thế dòng BA.1 ban đầu của Omicron.
Ngay cả khi số ca bệnh tăng gần đây, Đan Mạch cũng đang nới lỏng các hạn chế vì số lượng bệnh nhân Covid-19 cần được chăm sóc đặc biệt đang giảm. Một nghiên cứu của Đan Mạch trong tuần này cho thấy nguy cơ bệnh tiến triển nặng đối với những người bị nhiễm Omicron thấp hơn 36% so với biến thể Delta.
Theo Anders Fomsgaard, nhà nghiên cứu tại Viện Huyết thanh Statens (SSI) nhận định, các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải thích chính xác về sự phát triển nhanh chóng của dòng phụ này. "Có thể chủng này đang kháng lại khả năng miễn dịch cộng đồng, điều này cho phép nó lây nhiễm nhiều hơn", ông nhận định và cho biết thêm sự chậm trễ trong việc phát hiện BA.2 có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bởi các bác sĩ cần phải biết thời điểm nên chuyển hướng sang phương pháp điều trị khác.
>>Mũi vaccine thứ tư vẫn chưa đủ chống lại biến thể Omicron?
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa BA.2 vào nhóm biến chủng cần quan tâm. Sự khác biệt trong bộ gene của các biến chủng có thể dẫn đến các đặc tính khác nhau, ví dụ như khả năng lây nhiễm, hiệu quả của vaccine hoặc độc lực của biến chủng.
Phân tích ban đầu cho thấy không có sự khác biệt nào về số lần nhập viện giữa BA.2 so với BA.1. Điều này cho thấy vaccine vẫn có tác dụng trước các loại biến chủng mới. Dữ liệu mới nhất của UKSHA cho thấy một liều vaccine tăng cường có thể làm giảm tới 74% nguy cơ nhập viện trong 2 đến 4 tuần đầu tiên sau khi tiêm. Con số này sẽ giảm xuống 66% sau 10 tuần hoặc hơn. Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội Sajid Javid cho biết: "Dữ liệu này là bằng chứng cho thấy vaccine vẫn là tuyến phòng thủ tốt nhất của chúng ta trong việc chống lại Covid-19".
Mặt khác, bản chất của virus là tiến hóa và đột biến, vì vậy thế giới có thể tiếp tục chứng kiến các biến chủng mới xuất hiện. Trên thực tế, nhiều biến chủng của virus SARS - CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn. Do đó, việc tiếp tục giám sát và giải mã gene cho phép chúng ta phát hiện các biến chủng mới và đánh giá liệu chúng có đáng quan tâm hay không.
Có thể bạn quan tâm
Làn sóng Omicron đang dần suy giảm?
03:02, 21/01/2022
Mũi vaccine thứ tư vẫn chưa đủ chống lại biến thể Omicron?
12:12, 18/01/2022
Omicron tạo thách thức cho các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh
04:06, 18/01/2022
Làn sóng dịch do Omicron gây ra đang nhanh chóng đạt đỉnh?
14:38, 17/01/2022
Omicron ngăn cản chiến lược ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc
03:28, 17/01/2022