Nếu không gỡ được các nút thắt về cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế
sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo liên quan đến chọn tư vấn cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Có thể bạn quan tâm
12:06, 29/06/2018
20:40, 01/04/2018
05:34, 03/03/2018
13:04, 21/01/2018
10:21, 22/11/2017
13:30, 04/10/2017
Vì sao phải dụng tư vấn giao dịch quốc tế?
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến, quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để triển khai các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, Bộ GTVT cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn tư vấn giao dịch để triển khai các dự án đường bộ cao tốc tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra một số kiến nghị để thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Theo kế hoạch, việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 7/2018 làm cơ sở sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Vướng mắc hiện nay, theo Bộ GTVT, chi phí tư vấn giao dịch đối với dự án nguồn vốn nhà nước rất thấp, chỉ bằng 30%-40% chi phí so với các gói thầu sử dụng vốn hỗ trợ ODA.
Nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời cả 8 dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đầu tư theo hình thức đối tác công-tư đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ triển khai 4 dự án cao tốc còn lại (trong 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công- tư) là Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua Bộ triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công- tư. Tuy nhiên, chủ yếu các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng trong nước tham gia, không thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế do chưa đảm bảo sự hấp dẫn trong hồ sơ cũng như việc kêu gọi đầu tư.
Để có thể kêu gọi được các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng quốc tế tham gia tài trợ thực hiện các dự án PPP thì việc chuẩn bị dự án phù hợp với thông lệ quốc tế là rất quan trọng, đóng vai trò quyết định, tạo sự tin cậy đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài. Đồng thời vẫn đảm bảo sự chặt chẽ về mặt pháp lý.
Nhưng, tại Việt Nam không có những tổ chức tư vấn giao dịch trong nước nào có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ.
Thực tế vừa qua, Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật có tính chất tương tự đều phải lựa chọn tư vấn quốc tế… Do đó, việc sử dụng tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và rất cần thiết.
Mắc ở chi phí tư vấn
Vướng mắc hiện nay, theo Bộ GTVT, nghị quyết Chính phủ cho phép sử dụng vốn nhà nước chi cho tư vấn giao dịch.
Tuy nhiên, khi lập dự toán kinh phí cho nguồn vốn nhà nước thì mức lương chuyên gia được căn cứ theo quy định thì giá gói thầu và chi phí tư vấn giao dịch rất thấp, chỉ bằng 30%-40% chi phí so với các gói thầu sử dụng vốn hỗ trợ ODA.
Với giá trị gói thầu và chi phí thấp như vậy sẽ không thể lựa chọn được tư vấn giao dịch quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia. Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ này lập dự toán kinh phí có áp dụng với mức lương của chuyên gia quốc tế đối với gói thầu tư vấn giao dịch này để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế triển khai, tương tự như các dự án sử dụng vốn ODA đã và đang thực hiện.
Vì vậy, việc Chính phủ trao quyền quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để triển khai các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được coi là gỡ nút thắt quan trọng này.
Các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 118.716 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. |