Cao tốc Việt Nam và những điểm thấp

PHẠM TUẤN 23/02/2024 11:00

Để giảm thiểu tai nạn trên đường cao tốc, điều cần làm trước tiên là cải thiện điểm thấp trong ý thức của người lái xe và đặc biệt là đào tạo lái xe.

>>"Gỡ" nguồn cung vật liệu cho triển khai cao tốc

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ngày 18/02/2024 làm ba người thiệt mạng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, làm vỡ ra nhiều vấn đề trên nhiều tuyến đường cao tốc mới xây dựng tại Việt Nam, đặc biệt là tại các cung đường cao tốc phân kỳ (tức là làm hai làn đường ở kỳ 1 rồi mở rộng sau ở các kỳ tiếp theo). 

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn ngày 18/2. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2. Ảnh: TTXVN

Giao thông là mạch máu để phát triển kinh tế, đường xá mở tới đâu thì sẽ khơi thông dòng chảy của hàng hoá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng mạnh mẽ tới đó. Đặc biệt trong tình trạng nền kinh tế sản xuất bị ngưng trệ sau dịch và ảnh hưởng từ chiến tranh Nga - Ukraine cùng khủng hoảng Trung Đông thì những gói đầu tư công xây dựng hạ tầng như xây dựng đường cao tốc lại là giải pháp tốt để tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho ngành nghề vệ tinh ăn theo, nên không thể dừng những dự án đầu tư công này được.

Không thể phủ nhận nỗ lực, thành quả xây dựng hạ tầng giao thông của Việt Nam, chỉ trong vài năm gần đây mạng lưới đường cao tốc được xây dựng nhanh chóng, giao thông kết nối đi lại giữa vùng miền được cải thiện, thời gian di chuyển được rút ngắn, nhanh chóng tiện lợi… Cái còn thiếu duy nhất có lẽ đó là an toàn.

Ngày còn ở Nhật Bản và thường xuyên đi công tác bên Thái Lan, Trung Quốc…, người viết thấy việc di chuyển năm bảy trăm km đi về trong ngày là việc hết sức bình thường. Có thể nói, lái xe trên cao tốc ở nước ngoài khá nhàn, hiếm khi phải sử dụng phanh, đá đèn hay bật còi. Trong khi ở Việt Nam đi trên cao tốc mà luôn phải tập trung cao độ nhanh mệt mỏi, căng thẳng.

Ngay cả trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc hoàn chỉnh nhất về hạ tầng biển báo, số làn đường thì lái xe vẫn là việc phải cẩn trọng từng giây. Kĩ năng, kiến thức lái xe trên cao tốc của người lái xe Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu, vừa kém về ý thức. Nguyên tắc cơ bản của di chuyển trên cao tốc là phải chạy trên tốc độ tối thiểu. Nếu chạy ở làn giữa và làn ngoài cùng bên trái giáp dải phân cách tốc độ của lái xe ít nhất phải 80km/giờ. Nếu chạy tốc độ 60km/giờ, mời lái xe chạy làn trong cùng bên phải cùng làn với xe tải giáp với làn dừng khẩn cấp. Làn ngoài cùng bên trái là làn dành cho xe muốn vượt lên, vượt xong lái xe phải điều khiển xe vào làn giữa với tốc độ ổn định.

Ấy vậy nhưng trên thực tế nhiều xe tải vẫn chạy hiên ngang ở làn giáp giải phân cách với tốc độ rùa bò, buộc xe chạy sau phải vượt phải. Ở nút giao kết nối, nhiều xe chưa đạt tốc độ cần thiết lại nhao thẳng ra làn ngoài làm xe sau phải phanh dúi dụi. Nguy cơ tai nạn khi vượt nhau cao gấp 5 lần so với khi chạy nối đuôi nhau ở tất cả mọi tuyến đường.

Ở đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt tiêu chuẩn còn như vậy, còn ở nhiều cung đường hoàn toàn không nên gọi là cao tốc, nhất là loại cao tốc nhà nghèo, cao tốc phân kỳ thì nên bỏ chữ cao tốc tránh chủ quan, hiểu lầm cho lái xe.

>>Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu: Lại là nỗi lo thiếu đất đắp nền

Nếu áp tiêu chuẩn theo luật giao thông đường bộ năm 2008 - đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho chạy hai chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ đảm bảo giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định…, thì cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 2 làn xe, trên tuyến có 9 điểm mở rộng 4 làn để xe vượt nhau, chưa hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, camera trên toàn bộ chiều dài 98,3 km có đủ tiêu chuẩn được gọi là cao tốc?

Hiệu quả của tuyến đường Cam Lộ - La Sơn không ai phủ nhận, giảm tải cho quốc lộ 1A, không phải tránh xe máy, hay dừng đèn giao thông, nhưng ngoài những điểm thấp về trang thiết bị thì điểm thấp do ý thức do người lái ô tô mới là điểm đáng bàn. Xem kỹ lại video vụ tai nạn, lỗi hoàn toàn do xe con vượt trái quá ẩu dẫn đến tai nạn thảm khốc, nếu vượt tạt đầu kiểu này không lái xe nào có thể phản ứng kịp.

Vậy để giảm thiểu tai nạn trên đường cao tốc, điều cần làm trước tiên là cải thiện điểm thấp trong ý thức của người lái xe và đặc biệt là đào tạo lái xe. Việc dạy lái xe nên cải tiến, việc học lý thuyết hoàn toàn có thể cho học trên phần mềm, ứng dụng không cần đến lớp. Chỉ siết chặt kết quả khi thi và điểm thi, tập trung vào kĩ năng lái trên các dạng địa hình, điều kiện đường xá để hoàn thiện tâm lý và kĩ năng.

Với người lái xe đã có bằng, cần tuyên truyền giáo dục luật giao thông, xử phạt nghiêm minh, tăng cường phạt nguội, phối hợp thanh tra, tuần tra giữa cảnh sát, thanh tra giao thông. Tất cả cần vào cuộc mạnh mẽ chung tay xây dựng văn hoá giao thông văn minh, vì an toàn của chính bản thân và của cả cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn bao nhiêu vụ "vượt barie vào địa phủ” trên cao tốc?

    19:31, 17/02/2024

  • Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu: Lại là nỗi lo thiếu đất đắp nền

    00:06, 24/01/2024

  • Những tuyến cao tốc nào dự kiến tăng phí từ ngày 1/2/2024?

    20:41, 03/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cao tốc Việt Nam và những điểm thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO