“Chúng ta nên theo đuổi đam mê của mình vì chặng đường đó hạnh phúc hơn hầu hết mọi thứ còn lại”, Elon Musk nói về những niềm đam mê.
Với tư duy logic, sự ham học và tính tình mộc mạc, doanh nhân Nguyễn Duy Lân có các đặc trưng điển hình của một kỹ sư phần mềm, cùng với một chút dí dỏm thông minh và đã thành công viết nên câu chuyện khởi nghiệp sau gần 10 năm làm việc cho Microsoft.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành khoa học máy tính loại xuất sắc tại một trong những đại học tốt nhất ở Australia - University of New South Wales - Nguyễn Duy Lân tiếp tục nhận được học bổng Tiến sỹ với luận văn về “mật mã học” (crytography) tại University of Wollongong.
“Chúng ta nên theo đuổi đam mê của mình vì chặng đường đó hạnh phúc hơn hầu hết mọi thứ còn lại”, Elon Musk nói về những niềm đam mê.
Ai cũng có thể viết code (chương trình máy tính), nhưng để trở thành lập trình viên hoặc kỹ sư phần mềm có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, cần 2 tố chất là đam mê và khả năng tư duy. Coding và toán học luôn có sự tương quan mật thiết. Không phải ai giỏi toán cũng thành coder nhưng phần lớn coder giỏi đều có năng khiếu toán học từ sớm.
Niềm đam mê toán học của Nguyễn Duy Lân được chấp cánh khi còn ngồi trên ghế trường cấp 3. Khi nghe thầy dạy toán đùa là các anh chị đoạt Giải toán Quốc tế đều đã có học bổng đi nước ngoài, cậu học trò Nguyễn Duy Lân như tìm được mục tiêu cho mình và đã đoạt Giải Nhì Toán Quốc tế trong năm đó. Không lâu sau, anh phát hiện các anh chị này vẫn còn ở Việt Nam và đây chỉ là lời nói dối để động viên của người thầy. Tuy nhiên, lời nói dối này đã được anh biến thành sự thật.
Anh tìm được học bổng của Chính phủ Australia và chọn học tại University of New South Wales với 2 lựa chọn ngành là toán hoặc máy tính. Con đường đến với máy tính, ngành mật mã học rồi đến ngành bảo mật thông tin cũng xuất phát từ đam mê toán học. Anh Lân chia sẻ lý do anh chọn mật mã học là vì ngành này rất gần gũi với toán học. Và, anh tìm đến ngành bảo mật cũng vì ngành này đòi hỏi chất toán cùng tính logic cao và sự nhạy cảm để phát hiện ra các lỗ hổng hệ thống.
Với niềm đam mê toán học cùng sự tò mò vô hạn về công nghệ, anh tiếp tục tìm kiếm học bổng để làm tiến sỹ ngay sau khi hoàn thành cử nhân khoa học máy tính. Sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ “Công nghệ Mật mã tăng cường Bảo mật riêng tư” trong 4 năm, anh tiến hành nghiên cứu sau tiến sỹ về phát triển một dự án xây dựng hệ thống bảo mật dành cho dữ liệu định danh trực tuyến về sức khoẻ tại CSIRO, một tổ chức nghiên cứu độc lập thuộc điều hành của Chính phủ Australia.
Vẫn theo đuổi đam mê toán học khi đã bắt đầu đi làm, anh tiếp cận các mảng khoa học máy tính làm nền tảng cho sản phẩm bảo mật V-SOC của chính mình sau này là big data, machine learning, deep learning. Anh chia sẻ phương pháp học của bản thân qua câu nói của Elon Musk: “Kiến thức nên được hiểu như một biểu đồ cây. Điều quan trọng là phải hiểu rõ các quy luật cơ bản, thân cây, các nhánh chính, trước khi đi vào cành và lá, nếu không thì sẽ không có gì cho cành và lá bám vào.” Anh tâm niệm rằng học để xây dựng kiến thức nền rộng và đa dạng, là hành trang rất quan trọng cho mỗi sự thành công.
Vào năm 2007, trước kỷ nguyên của Facebook, Apple và Uber, Microsoft chính là gã khổng lồ trong các công ty công nghệ. Nói cách khác, Microsoft chính là tiền bối của các công ty công nghệ lẫy lừng hiện nay. Và, Nguyễn Duy Lân đã gia nhập vào người khổng lồ này vào thời hoàng kim của nó
Được sự giới thiệu của một người bạn khi đang làm việc tại Canada, anh quyết định thi tuyển vào Microsoft. Sau nhiều vòng thi, anh được tuyển dụng vào một dự án khởi nghiệp của công ty. Chưa đầy 1 năm, dự án bị huỷ bỏ và các thành viên của dự án này phải tìm một vị trí mới cho mình. Không nản chí, anh nhanh chóng tìm được một vị trí khác chuyên sâu nghiên cứu về Mật mã Ứng dụng tại Microsoft Research trong các cuộc tuyển dụng nội bộ.
Trong thời gian tại Microsoft, anh trở thành thành viên Ban Mật mã học. Đồng thời, anh đã tham gia phát triển các sản phẩm phần mềm được sử dụng trong hơn 20 sản phẩm chính của Microsoft cho hàng triệu người sử dụng, bao gồm bảo mật dữ liệu cho công cụ tìm kiếm nổi tiếng Bing.
Sau 8 năm tại Microsoft, anh Lân cùng 4 đồng nghiệp tại Microsoft quyết định ra riêng thành lập Veramine. Với mong muốn có thể xây dựng sản phẩm của riêng mình, Veramine bao gồm 1 người Mỹ, 2 người Ba Lan và 2 người Việt Nam - là những chuyên gia bảo mật chủ chốt đã từng tham gia vào công việc ứng phó, vá lỗi và cập nhật về bảo mật cho các sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft như Windows, Office, Azure, Xbox…
Sau 2 năm phát triển, sản phẩm V-SOC đã có khách hàng tại Mỹ, Singapore, Việt Nam và sắp tới là tại Australia. Những khách hàng tiêu biểu của Veramine có thể kể đến như Không Quân Mỹ, Bộ An Toàn Nội Địa Mỹ và Bộ Quốc phòng Singapore. Verimine cũng đang hợp tác với Không Quân Mỹ và Bộ An Ninh Nội địa Mỹ để phát triển kỹ thuật Bẫy Hackers (Deception Techniques) để bảo vệ các hệ thống thông tin của chính phủ Mỹ một cách chủ động hơn.
V-SOC như một hệ thống camera giám sát có thể thu thập dữ liệu trong mọi hoạt động của hệ thống máy tính trên thời gian thực. Những dữ liệu này được phân tích, điều tra và sau đó phần mềm sẽ đề xuất các cảnh báo bằng các thuật toán và machine learning, rồi đưa những mệnh lệnh xuống các máy trạm cũng như thiết bị để xử lý, khống chế các cuộc tấn công mạng hay mã độc trong toàn bộ hệ thống.
Điểm mạnh nhất của V-SOC so với các sản phẩm khác, kể cả các hãng bảo mật lớn trên thế giới, nằm ở khả năng giám sát, phân tích và kiểm soát những vấn đề bảo mật hay sự cố trong các hệ thống. Anh Lân cho biết điểm yếu của các sản phẩm trên thế giới là chỉ chủ yếu phân tích files, nên Veramine đã phát triển thêm các khả năng thu thập và phân tích đa dạng hoạt động và hành vi trong các máy tính (như của tiến trình, người dùng, dữ liệu mạng...), để đưa ra các cảnh báo một cách chính xác và toàn diện nhất.
Anh Lân chia sẻ về định hướng của Veramine: “Nguồn lực hiện vẫn chủ yếu tập trung vào phát triển sản phẩm, phần bán hàng đang phát triển bị động. Với uy tín của các thành viên, sự hợp tác diễn ra khá dễ dàng với khách hàng và đối tác, vì họ sẵn sàng đưa sản phẩm Veramine vào thử nghiệm và đánh giá, qua đó đưa ra các quyết định hợp tác với Veramine. Trong tương lai, Veramine sẽ có những đầu tư về mặt phát triển doanh số, nhưng chủ yếu vẫn sẽ là đẩy mạnh liên kết với các đối tác để đưa các giải pháp của Veramine tới khách hàng. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm sẽ luôn là ưu tiên vì đây là thế mạnh và đam mê của các thành viên.”