"Câu lạc bộ hay nhất FIFA" nguy cơ đổ nợ, đổi chủ vì chiến sự

DIỄM NGỌC 27/02/2022 04:50

Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea xác nhận, khoản vay 2 tỷ USD được cung cấp bởi tỷ phú Nga Abramovich, được xem như đòn bẩy chống lại bất kỳ cuộc tấn công đáng kể nào vào tài sản này.

>>Xung đột Nga - Ukraine: Ngân hàng của Nga có thể bị cắt giao dịch quốc tế

Theo nguồn tin từ Forbes, khi áp lực gia tăng liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tỷ phú Nga Roman Abramovich đã có chính sách bảo hiểm trị giá hàng tỷ USD đối với câu lạc bộ bóng đá Chelsea (Chelsea FC), nếu Vương quốc Anh mua lại tài sản này. Bởi Chelsea FC hiện đang nợ vị tỷ phú số tiền lên tới 2 tỷ USD.

Tỷ phú Nga Roman Abramovich đã dẫn dắt Chelsea tới hai chức vô địch UEFA Champions League kể từ khi mua câu lạc bộ vào năm 2003 (ảnh: Getty Images)

Tỷ phú Nga Roman Abramovich đã dẫn dắt Chelsea tới hai chức vô địch UEFA Champions League kể từ khi mua câu lạc bộ vào năm 2003 (ảnh: Getty Images)

Câu lạc bộ mà Abramovich mua với giá khoảng 190 triệu USD vào năm 2003, được nuôi dưỡng và xây dựng thành nhà vô địch UEFA Champions League năm 2021, với định giá khoảng 3,2 tỷ USD vào năm ngoái.

Kieran Maguire, một giảng viên tài chính tại ĐH Liverpool nói rằng, điều đó mang lại cho Abramovich những cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính ở Anh, tùy thuộc vào mức độ trừng phạt sâu sắc có thể áp dụng. Tình huống xấu nhất dành cho các cổ động viên (CĐV) Chelsea lúc này đã được đặt ra.

Tình hình nhấn mạnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể tác động đến thế giới thể thao như thế nào, đặc biệt là khi nhiều Câu lạc bộ đang "chạy đua" cắt đứt quan hệ tài trợ, hợp tác từ Nga. Câu lạc bộ FC Schalke 04 của Đức mới đây đã thông báo rằng, họ sẽ xóa logo của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga khỏi áo đấu của mình. Còn Manchester United đã hủy bỏ hợp đồng tài trợ trị giá 53,6 triệu USD với hãng hàng không của Nga, như một động thái bày tỏ thái độ về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, diễn ra sau khi "Quỷ đỏ" bay đến Madrid (Tây Ban Nha) hôm 22/2 với hãng hàng không Titan Airways. Và đòn nặng nhất có thể là UEFA sẽ chuyển trận chung kết Champions League ra khỏi St.Peterburg, cùng nhiều sự kiện khác sẽ diễn ra...

Forbes ước tính, tài sản của Abramovich là 13,3 tỷ USD, chủ yếu là từ sản xuất thép và kim loại. Tên của ông đã nhiều lần đứng đầu danh sách các nhà tài phiệt có nhiều khả năng phải đối mặt với các vòng trừng phạt tiếp theo của Vương quốc Anh về tài sản và các hoạt động kinh doanh. Trước đó, Quốc hội nước này đã buộc phải giải quyết vấn đề dòng tiền của Nga vào London, khi các chính trị gia Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nói rằng, họ lo ngại lỗ hổng trong các quy tắc của Vương quốc Anh có thể làm sai lệch các biện pháp trừng phạt của họ đối với Nga.

>>Xung đột Nga - Ukraine (Kỳ 1): Tăng trưởng, lạm phát, tiền tệ toàn cầu bị ảnh hưởng ra sao?

Fordstam Ltd, công ty mẹ của Chelsea xác nhận, khoản vay 2 tỷ USD được cung cấp bởi bên kiểm soát cuối cùng là ông Abramovich. Trong năm qua, Abramovich đã cho Chelsea mượn thêm 26 triệu USD, ngay cả khi câu lạc bộ đoạt được chiếc cúp Champions League vào tháng 6/2021.

Maguire mô tả, các khoản vay như đòn bẩy chống lại bất kỳ cuộc tấn công đáng kể nào vào tài sản của ông ấy. “Câu lạc bộ không có đủ nguồn lực để trả lại tiền. Nếu Chelsea bị bán, cho dù khoản tiền này dưới hình thức vốn chủ sở hữu hay nợ đều không liên quan. Nhưng Abramovich có thể đòi lại tiền, với lập luận rằng tài sản của ông ấy bị đóng băng, ông ấy cần tiền và sau đó câu lạc bộ có thể sẽ bị ngừng hoạt động”, Maguire nói.

Như vậy, một người mua tiềm năng của Chelsea sẽ cần có túi tiền rất lớn. Tuy nhiên, mức giá mà một tập đoàn do quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Saudi trả cho Newcastle United là khoảng 300 triệu USD, điều đó cho thấy, có thể các câu lạc bộ nhỏ hơn lại có giá trị tốt hơn, mà người mua có thể tự phát triển và định hình.

Theo Kenneth Cortsen, một chuyên gia kinh tế tại ĐH Bắc Đan Mạch, tình huống của Abramovich đặt ra một câu hỏi lớn hơn là, liệu Premier League hay bất kỳ tổ chức bóng đá hàng đầu châu Âu nào, cần phải suy nghĩ lại về việc họ để ai vào hàng ngũ sở hữu của mình.

“Nga không phải là một khu vực tích cực đối với thể thao quốc tế trong những năm gần đây, với việc sử dụng doping có hệ thống, bán độ thể thao và các sự cố khác có liên quan đến tiêu cực. Tại sao lại cho phép quyền sở hữu một số tài sản thể thao quan trọng nhất như trường hợp của Chelsea trên đất Anh, cho những người có mối liên hệ với Nga, trong trường hợp này và với tất cả những gì đã xảy ra?”, Cortsen đặt câu hỏi.

Trả lời cho câu hỏi này, Cortsen giải thích trên quan điểm của mình rằng, mọi người đã nói về sự đoàn kết và bảo vệ  “kim tự tháp” bóng đá châu Âu, nhưng đồng thời, họ đã cho phép mọi người kiếm tiền mà không thực sự tìm hiểu sâu về điều đó có nghĩa là gì.

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động toàn cầu của chiến sự Nga - Ukraine

    15:30, 26/02/2022

  • Xung đột Nga - Ukraine: Ngân hàng của Nga có thể bị cắt giao dịch quốc tế

    11:15, 26/02/2022

  • Xung đột Nga - Ukraine (Kỳ 1): Tăng trưởng, lạm phát, tiền tệ toàn cầu bị ảnh hưởng ra sao?

    05:30, 26/02/2022

  • Xung độ Nga - Ukraine: Đồng Nhân dân tệ có phải nơi trú ẩn an toàn?

    05:00, 26/02/2022

  • Xung đột Ukraine - Nga: Chứng khoán liệu có sớm hồi phục?

    05:00, 26/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Câu lạc bộ hay nhất FIFA" nguy cơ đổ nợ, đổi chủ vì chiến sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO