Rời Mỹ về Việt Nam, Nguyễn Đức Anh ngược xuôi Nam Bắc tìm kiếm cộng sự cùng chí hướng, startup ứng dụng công nghệ truyền dẫn video và livestreaming.
Cuối tháng 9/2017, nhóm 11 kỹ sư quyết định thôi công việc có mức lương nghìn đô để tham gia startup với ý tưởng mới chỉ nằm trên giấy, dưới sự thuyết phục của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Anh. Uiza, ứng dụng công nghệ truyền dẫn video và livestreaming bằng ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (máy học), ra mắt thị trường tháng 2/2018. Đây là startup đầu tiên cung cấp Nền tảng dịch vụ đám mây cho video và livestream tại Đông Nam Á.
Có nhiều lý do để Nguyễn Đức Anh và các cộng sự lựa chọn "dứt tình" với các tập đoàn lớn sau nhiều năm gắn bó để "kết duyên" với Uiza. Nhưng quan trọng nhất mong muốn tạo ra công nghệ của tương lai của 12 chàng kỹ sư.
Trước khi khởi nghiệp Uiza, Nguyễn Đức Anh đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và startup nhiều dự án. Đức Anh từng là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Niềm đam mê bộ môn Xác suất thống kê đã đưa dnh đến với ngành Khoa học dữ liệu và thông tin, Đại học Troy ở Mỹ, năm 2007.
Sau khi ra trường, Đức Anh làm việc cho CGI Group, tập đoàn tư vấn IT nổi tiếng tại Mỹ trong lĩnh vực công nghệ an ninh quốc phòng, với vị trí Chuyên gia phân tích GIS.
Làm việc tại Mỹ nhưng Đức Anh luôn quan tâm đến các vấn đề công nghệ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sau khoảng nửa năm ở CGI Group, Đức Anh nhận thấy xu hướng các công ty đa quốc gia đang thâm nhập thị trường Đông Nam Á mạnh mẽ nhưng gặp phải rào cản lớn là ngôn ngữ.
Nhận ra đây là cơ hội để khởi nghiệp, anh về nước thành lập startup VNLOCTRA. Startup này ứng dụng công nghệ Machine Translation (Dịch máy) để chuyển ngữ các hệ thống phần mềm từ tiếng Anh sang tiếng bản địa, giúp các tập đoàn đa quốc gia tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Hiện startup trên vẫn hoạt động và doanh thu hơn 1 triệu USD/năm.
Năm 2016, Đức Anh tham gia Topica thông qua chương trình FIR, chuyên tuyển dụng và đào tạo các nhà sáng lập startup tương lai, với vị trí Giám đốc cấp cao phát triển sản phẩm quốc tế. FIR cũng là "cái nôi" sản sinh ra các nhà sáng lập startup, trong đó có Nguyễn Khôi, CEO Wefit.
Trong quá trình làm việc tại Topica, Đức Anh luôn đau đáu xây dựng được một hệ thống video hỗ trợ hàng triệu người dùng, đồng thời giúp các lập trình viên đơn giản hóa việc xây dựng và quản lý hệ thống phức tạp này. Văn phòng làm việc của Uiza tại TPHCM.
Xuất phát từ những trăn trở đó, Đức Anh quyết lập team xây dựng hệ thống công nghệ truyền dẫn video. Tháng 9/2017, anh chính thức thôi việc ở Topica và sáng lập Uiza. Tuy nhiên, anh gặp không ít khó khăn về nhân sự và tài chính.
Để tìm được 11 cộng sự cùng phát triển dự án, Đức Anh đã phải ngược xuôi Hà Nội và Sài Gòn thuyết phục các kỹ sư giàu kinh nghiệm tham gia. Ở Hà Nội, anh gặp gỡ hơn 20 kỹ sư nhưng chỉ có một người đồng ý. Sau đó, anh may mắn tìm được 10 kỹ sư cùng chí hướng ở Sài Gòn.
Khi mời các cộng sự về Uiza, Đức Anh luôn thẳng thắn với họ là công ty hiện chưa có tiền trả lương, tất cả những gì anh có là một tầm nhìn và kế hoạch cụ thể để chinh phục thị trường Internet.
"11 kỹ sư được mời đều chấp nhận bỏ công việc ổn định, vị trí cao với mức lương vài chục triệu để về với Uiza, thông qua một, hai lần gặp gỡ trao đổi. Tìm được bạn đồng hành cùng chí hướng là điều đáng trân trọng vô cùng", Đức Anh chia sẻ.
Sau 4 tháng thành lập, Uiza đã có khách hàng đầu tiên sử dụng hệ thống và nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Tháng 8 vừa qua, Uiza thành công khi kêu gọi đầu tư vòng pre-seed từ ESP Capital và Framgia (Tập đoàn Công nghệ thông tin Nhật Bản).
Theo báo cáo của Cisco, tới năm 2021, lưu lượng truy cập các video trực tuyến sẽ chiếm tới 80% lượng truy cập Internet toàn cầu.
Ông Taihei Kobayashi, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Framgia Inc, nhận định: "Video và Livestream đang phát triển thần tốc tại thị trường châu Á. Framgia vừa là nhà đầu tư vừa là một trong những khách hàng đầu tiên sử dụng hệ thống video và livestream của Uiza. Uiza đã giúp chúng tôi tiết kiệm hàng chục lập trình viên và hàng tháng trời tự phát triển một hệ thống tương tự".
Bằng việc thu thập hàng tỷ đầu mối dữ liệu theo thời gian thực từ các kết nối giữa hàng ngàn ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet), hàng tỷ lượt xem video, hàng trăm địa điểm truyền dẫn, công nghệ của Uiza giúp tối ưu trải nghiệm xem video cũng như livestream một cách tốt nhất cho khán giả.
Mục tiêu của Uiza là xây dựng hệ thống video với những công nghệ hiện đại nhất như YouTube và đóng gói lại thành các API (giao diện lập trình ứng dụng) đơn giản để lập trình viên có thể sử dụng một cách dễ dàng, đồng thời xây dựng đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, có tên tuổi và chỗ đứng trong ngành công nghệ thế giới.
Theo Nguyễn Đức Anh, điều đáng buồn là các hội nghị khoa học về IT lớn, các dự án mã nguồn mở của thế giới luôn vắng bóng người Việt. Việt Nam có rất nhiều kỹ sư công nghệ giỏi, nguồn lực nhân sự IT mạnh nhưng vẫn chưa có nhiều đóng góp ngược lại cho cộng đồng IT thế giới.
"Uiza mong muốn phát triển một đội ngũ kỹ sư Việt Nam nhận được sự tôn trọng và công nhận của thế giới", Đức Anh nói.
Hiện tại, Uiza thực hiện vòng gọi vốn tiếp theo nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại các thị trường chính như Singapore và Nhật Bản. Mục tiêu của Uiza là trong vòng 5 năm tới là hỗ trợ khách hàng truyền phát video và livestream tới hơn 2 tỷ người xem toàn cầu.