Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng

TRƯỜNG ĐẶNG 23/12/2023 03:30

Kinh tế toàn cầu đang trong thời khắc chuyển dịch quan trọng trước nhu cầu số hóa và xanh hóa, trong đó châu Âu phải chọn cho mình một hướng đi phù hợp để duy trì vị thế.

Châu Âu coi chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích chiến lược về kinh tế trong tương lai

Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích kinh tế trong tương lai

Chuyển đổi số là tương lai EU

Theo một nghiên cứu lớn của SAGE công bố tháng 11 vừa qua, 85% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở châu Âu nói rằng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò trụ cột trong kế hoạch tăng trưởng tương lai của họ. 

>>"Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024

Báo cáo của SAGE đã chỉ ra chuyển đổi số dường như đang là xu hướng phù hợp với tầm nhìn tăng trưởng của các doanh nghiệp châu Âu trong tương lai.

Giá trị kinh tế mà chuyển đổi số đem lại cho EU cũng rất lớn, khoảng 628 tỷ euro như SAGE dự đoán. Điều này có được nhờ tác động của số hóa trong giải quyết các vướng mắc và khai thác các tiềm năng mới.

Hầu hết các SMEs ở châu Âu tin rằng động lực tăng trưởng sẽ đến từ áp dụng ESG, hóa đơn điện tử, AI và định danh điện tử (Digital ID).

Cụ thể, 65% trong số 15.000 doanh nghiệp tham nghiên cứu này cho rằng ESG có thể giúp họ lôi kéo được các khách hàng mới, tiếp cận tài chính xanh, hay thực hiện các hành động bền vững hiệu quả hơn.

Ngoài ra, việc số hóa hóa đơn có thể giúp giải quyết vướng mắc mà các SMEs ở EU đang gặp phải – dòng tiền trả chậm. Theo dữ liệu, hơn một nửa các doanh nghiệp của châu lục gặp khó khăn bởi dòng tài chính bị mắc kẹt, và họ tin rằng áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp đẩy mạnh lưu thông vốn hơn nữa. Trong khi đó, 80% tin tưởng rằng việc áp dụng ID kỹ thuật số sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, AI hay định danh điện tử cũng hứa hẹn sẽ giúp SME tăng cường năng lực quản lý dòng tiền và cải thiện năng suất. Gần 3/4 số SME được hỏi (71%) đã áp dụng AI và xác định đây sẽ là động lực cho sự đổi mới và hiệu quả.

Tuy nhiên, mới chỉ có 32% SME tin rằng AI đang đáp ứng tốt cho hoạt động hiện tại. Hơn nữa, 92% trong số này thừa nhận những rủi ro từ AI, nổi bật như vấn đề đạo đức, mất dữ liệu và lo ngại về quyền riêng tư cũng như gian lận. 

Tại châu Âu, các SMEs là động lực lớn của nền kinh tế với con số xấp xỉ 25 triệu công ty, chiếm tới 99% số lượng doanh nghiệp của khối. Đồng thời, đây cũng là khu vực chiếm 2/3 việc làm và tạo ra giá trị kinh tế gần 4.000 tỷ euro trong năm 2022, chiếm 51,8%, theo báo cáo hàng năm của EU.

Ngành bán dẫn ở đâu?

Có một điều lạ là nhiều doanh nghiệp SMEs châu Âu không coi bán dẫn là một cơ hội tăng trưởng trong tương lai bất chấp việc châu lục cũng có nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới.

Thực tế, EU cũng rất quan tâm vấn đề này, thể hiện qua mục tiêu tăng gấp đôi thị phần bán dẫn toàn cầu trong thập kỷ tới, từ 10% hiện nay lên 20%.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn hay căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc – nhà cung cấp hàng đầu trong chuỗi – đã gây ra không ít khó khăn. EU đã phải đẩy nhanh Đạo luật Chip trị giá 43 tỷ euro vào giữa năm nay, với trọng tâm là thúc đẩy sản xuất nội khối và giảm sự phụ thuộc quốc tế.

>>Trung Quốc đã "đánh mất" châu Âu như thế nào?

Tuy nhiên, sự tự chủ chiến lược về kinh tế mà Châu Âu tìm kiếm có thể sẽ khó đạt được với ngành bán dẫn. "Châu Âu không có cơ hội độc lập về chất bán dẫn", ông Chris Miller - PGS Lịch sử Quốc tế tại Đại học Tufts - thẳng thừng nhận xét.  

Theo ông, trong cuộc chơi bán dẫn toàn cầu sẽ chỉ có hai “hạt nhân” chính - Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, EU chỉ có một ông lớn trong ngành là ASML của Hà Lan.

Ngành bán dẫn sẽ khó trở thành nơi Châu Âu đặt cược về tăng trưởng trong tương lai

Ngành bán dẫn sẽ khó trở thành nơi Châu Âu đặt cược về tăng trưởng trong tương lai

Vị chuyên gia cho rằng, ngay cả mục tiêu trước mắt là "giảm lệ thuộc" vào Trung Quốc cũng chỉ có thể thực hiện được khi EU có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh như Hoa Kỳ. Nhưng điều này cũng không chắc chắn khi Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược bảo hộ ngành của riêng mình.

Do đó, sự kỳ vọng lớn lao của SME vào chuyển đổi số như một động lực tăng trưởng chính trong tương lai có thể hé lộ một thực tế khác – Châu Âu sẽ phải lựa chọn chuyển đổi số và công nghệ mới như AI, 5G hay các sáng kiến khác, thay vì theo đuổi việc sản xuất các con chip.

Hoặc nếu EU muốn có vị thế cao hơn trong ngành chip, các chuyên gia cho rằng họ nên ưu tiên các lĩnh vực thiết kế hơn là sản xuất. Ông Miller cho biết: “Tôi nghĩ Châu Âu nên tiếp tục tập trung vào lĩnh vực mà họ đã làm rất tốt trong lịch sử, đó là đầu tư vào các ngành sản xuất chuyên sâu về R&D”. 

Frederico Mollet, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Châu Âu, cho rằng nếu châu Âu nên tập trung vào thiết kế chip hơn là sản xuất nhằm đạt giá trị cao và nâng cao quyền tự chủ chiến lược của mình.

Bà Trần Hà My, Giám đốc Quản lý Đối tác Cấp cao của FPT Europe, một chuyên gia của AVSE Global, đồng tình, cho rằng: "Động lực kinh tế tương lai của châu Âu sẽ là công nghệ số, như AI. Họ sẽ phải lựa chọn giảm bớt nguồn lực cho ngành bán dẫn, không chỉ vì chi phí đắt đỏ và tính cạnh tranh cao của ngành này, mà còn bởi EU không còn dồi dào về nhân lực chất lượng cao trong tương lai nữa". 

Có thể bạn quan tâm

  • Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ

    Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"

    04:00, 17/12/2023

  • Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    Các đồng minh châu Âu đang mất kiên nhẫn với Ukraine?

    03:00, 15/12/2023

  • Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam

    Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam "mở khóa" trí thức người Việt tại châu Âu

    14:07, 12/12/2023

  • Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    Lộ diện tác động của xung đột Israel - Hamas tới kinh tế châu Âu

    03:00, 12/12/2023

  • "Phiêu lưu" năng lượng, châu Âu trả giá đắt!

    04:30, 09/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO