Việc áp dụng cơ chế đặc thù, chỉ định thầu xây lắp đối với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đã tạo ra luồng gió mới đến với giới nhà thầu xây lắp giao thông.
>>Cơ hội nào cho nhà đầu tư cao tốc tại Việt Nam?
Cơchế đặc thù
Trong bối cảnh, cần thực hiện nhanh, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 (ngày11/1/2022) đề ra chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng thời điểm, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 44/2022/QH15 (ngày 11/1/2022) về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2021– 2025.
Để triển khai Dự án trong bối cảnh đặc biệt, Chính phủ đã đề ra cơ chế đặc biệt nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Theo đó, Nghị quyết số18/NQ-CP (ngày 11/2/2022) chia Dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công và quyết nghị áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu cần thiết.
Ngoài cao tốc Bắc- Nam phía Đông, hiện có một số dự án cao tốc khác cũng đang được cân nhắc chủ trương đầu tư và áp dụng cơ chế đặc thù gồm: tuyến Biên Hòa- Vũng Tàu, tuyến Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng. Theo đó, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (dài 53,7 km) dự kiến phân bổ 14.270 trên 17.837 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và phần còn lại được phân bổ trong giai đoạn 2026- 2030. Dự kiến, Dự án khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Còn cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất có chiều dài khoảng 188,2 km, giai đoạn 1 sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 45.024 tỷ đồng. Tới đây, Dự án cao tốc trong điểm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long này được trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư công với cơ chế đặc thù.
Trước cơ chế đặc thù, áp dụng hình thức chỉ định thầu xây lắp các dự án cao tốc giới nhà thầu xây lắp lớn trong lĩnh vực giao thông rất hào hứng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, nhiều nhà thầu đã gửi đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư xin được chỉ định thầu làm tổng thầu xây lắp các dự án thành phần của cao tốc Bắc- Nam phía Đông và cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), cho biết: Trong vòng 1 tháng, DIC Corp cùng các đối tác thành viên trong các liên danh có 2 văn bản gửi Thủ tướng xin được chỉ định thầu 2 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam gồm Cần Thơ- Hậu Giang, Hậu Giang- Cà Mau và cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 45 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, DIC Corp cùng Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đứng trong liên danh đề xuất chỉ định làm tổng thầu các cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang (mức đầu tư 9.700 tỷ đồng), Hậu Giang- Cà Mau ( mức đầu tư 17.485 tỷ đồng). Ở liên danh còn lại DIC Corp đứng chung với Công ty CP Him Lam đề xuất làm tổng thầu cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu ( mức đầu tư 17.837 tỷ đồng).
“DIC Corp và các thành viên trong các liên danh đều là các tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng. Do đó, cạnh năng lực, kinh nghiệm và nguồn tài chính liên danh mạnh. Hơn nữa, DIC Corp có ưu thế nắm trong tay những mỏ đá, cát lớn để chủ động cung ứng nguồn vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án cao tốc", ông Nguyễn Thiện Tuấn nói và khẳng định nếu được chỉ định làm tổng thầu sẽ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định và quản lý, đầu tư, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả…. Đặc biệt, sẽ rút ngắn tiến độ dự án từ 3 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
>>Đầu tư cao tốc, hạ tầng theo phương thức PPP… “liệu có khả thi”?
Xuất hiện hàng loạt "ông lớn"
Chia sẻ về đề xuất xin chỉ định thầu xây lắp dự án thành phần Bùng- Vạn Ninh thuộc cao tốc Bắc- Nam, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết: Dự án này đi qua địa bàn Sơn Hải đứng chân nên có những thuận lợi trong công tác huy động vật liệu, máy móc thiết bị và nhân sự để thi công dự án.
Dự án Bùng– Vạn Ninh có chiều dài 50 km, nằm trọn vẹn trong địa phận tỉnh Quảng Bình, có tổng mức đầu tư ước khoảng 10.526 tỷ đồng. Kèm theo đề xuất, Tập đoàn Sơn Hải cam kết nêu được chỉ định thầu sẽ thi công đảm bảo chất lượng tốt nhất, tiến độ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Được biết, Sơn Hải cũng là tên tuổi lớn có nhiều kinh nghiệm đầu tư và xây lắp các dự án giao thông lớn, trọng điểm như: cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan (tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng). Trong đó, Tập đoàn Sơn Hải vừa làm nhà đầu tư vừa là nhà thầu xây lắp với giá trị đảm nhận hơn 2.100 tỷ đồng; Cao tốc Nha Trang- Cam Lâm (tổng vốn đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng).
Theo ghi nhận cuả PV Diễn đàn Doanh nghiệp, mặc dù mốc thời gian Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam còn khá dài (năm 2022 và 2023). Song, trên thực tế, sức cạnh tranh trong cuộc đua xin chỉ định thầu đã “nóng” với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn ngành xây lắp.
Tới thời điểm này có thể điểm danh hàng loạt cái tên như: Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường (đề xuất cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, dài khoảng 53 km); Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh (đề xuất cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, dài 67,8 km); Tập đoàn Sơn Hải; Him Lam, Hòa Bình, DIC (đề xuất cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang và Hậu Giang- Cà Mau, tổng chiều dài 109 km); Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (đề xuất một số dự án thành phần với chiều dài khoảng 100km). Và nhiều nhà thầu xây lắp lớn khác như Đèo Cả, Phương Thành, Licogi 16, Vinaconex, Hưng Thịnh…
Ngoài ra, ghi nhận của PV từ nhiều nguồn tin cho thấy, nhiều “ẩn số” đáng chú ý là các nhà thầu lớn khác cũng đang quan tâm đến chỉ định thầu cao tốc, như: SunGroup, VinGroup, Trường Sơn, Thành An 36, Lũng Lô, 319... Trong đề xuất gửi Thủ tướng các nhà thầu đều cam kết thi công vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng, tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 27/12/2018
03:00, 06/05/2022
18:57, 26/04/2022
20:20, 19/04/2022
22:18, 16/04/2022
21:13, 15/04/2022
19:22, 08/04/2022
20:12, 29/03/2022
02:33, 11/03/2022
05:00, 19/03/2022
18:27, 24/02/2022