Chi phí là “rào cản” để du lịch phục hồi

TUẤN VỸ 04/07/2023 03:00

Trong giai đoạn phục hồi du lịch, mức chi phí chính là vấn đề du khách quan tâm để xem xét lựa chọn điểm đến. Trong đó, nhiều người so sánh mức giá giữa các điểm đến trong và ngoài nước.

>>Kỳ vọng mùa hè sôi động cho du lịch Quảng Nam

Các địa phương trên cả nước đang tích cực tung chương trình kích cầu du lịch mùa cao điểm để gia tăng sức hút cho các điểm đến.

Du lịch nội địa và xuất ngoại như nhau

Đây là một hiện trạng đáng báo động cho ngành du lịch đang trong quá trình phục hồi. Bởi lẽ, dù các địa phương nỗ lực tung chương trình khuyến mãi, kích cầu nhưng mức giá cấu thành cho một chuyến du lịch hiện nay vẫn còn ở mức khá cao.

Cụ thể, để bắt đầu một chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, du khách sẽ phải tính đến các chi phí như vé máy bay, điểm lưu trú, dịch vụ du lịch, dịch vụ phụ trợ,... Việc này dẫn đến chi phí bỏ ra giữa đi du lịch nội địa và xuất ngoại đang có có mức giá tương đương nhau, tác động đến tâm lý của khách du lịch.

Các

Có 2 yếu tố được xác định khiến chi phí du lịch tăng chính là giá các địa điểm tăng cao theo hàng năm và giá vận chuyển hành khách tăng cao.

Theo khảo sát, du khách nếu xuất phát từ Hà Nội đến Đà Nẵng – Hội An trong 5 ngày 4 đêm hiện nay có thể chi trả mức giá từ 7-9 triệu đồng/ chuyến du lịch, với Phú Quốc là từ 8-11 triệu đồng. Trong khi đó, với các mức giá trên khách du lịch có thể lựa chọn các điểm đến tại Thái Lan hoặc tour kết hợp Malaysia và Singapore,... thậm chí là có phần rẻ hơn khi đã bao gồm vé máy bay. Đây là câu chuyện cần tính đến để “giữ chân” khách nội địa cũng như thu hút khách quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hữu Thảo, Giám đốc Công ty TNHH One Office – đơn vị sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch One Local, hiện nay chi phí vé máy bay trong nước đang cao hơn so với quốc tế, cùng với đó, chi phí tour tăng cao vì giá vé các tuyến điểm du lịch điều tăng. Ông Thảo nhận định, có 2 yếu tố khiến chi phí du lịch tăng chính là giá các địa điểm tăng cao theo hàng năm và giá vận chuyển hành khách tăng cao.

“Nếu các chi phí cố định tăng cao thì buộc giá tour cao, từ đó khách du lịch sẽ có xu hướng tách lẻ các dịch vụ để tiết kiệm chi phí. Chưa kể đến là vấn đề du lịch nước ngoài, hiện tại giá landtour nước ngoài rẻ hơn để kích cầu du lịch quốc tế nên chi phí tổng thể thấp hơn nội địa, vì vậy người Việt sẽ có xu hướng lựa chọn các tour xuất ngoại nhiều hơn là trong nước. Minh chứng rõ là hiện nay số đại lý, công ty du lịch đang bán các tour, sản phẩm đi du lịch nước ngoài chiếm phần vượt trội hơn so với các sản phẩm nội địa”, ông Nguyễn Hữu Thảo nói.

Khó thay đổi mức giá?

Bài toán hiện nay khiến các địa phương, doanh nghiệp đau đầu chính là làm sao để đón được lượng khách lớn trong mùa du lịch cao điểm. Để khách du lịch đến nhiều, hiển nhiên các sản phẩm, dịch vụ phải được nâng cao chất lượng, từ đó, mức giá không thể hạ thấp quá nhiều để gây thiệt hại.

Điển hình vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch về kích cầu du lịch với 16 gói sản phẩm du lịch đặc sắc với chính sách giá ưu đãi và các dịch vụ chất lượng. Trong đó mức giá kích cầu giảm từ 30-40% so với mức giá hiện tại, một số doanh nghiệp giảm đến 50%. Với khoảng thời gian 4 ngày 3 đêm, du khách sẽ bỏ ra mức kinh phí từ từ 5,5-8 triệu đồng khi lựa chọn điểm lưu trú 4 sao và từ 6-8,3 triệu đồng cho điểm lưu trú 5 sao.

Chi phí du lịch đang có những tác động đến tâm lý của du khách khiến các điểm đến nội địa “mất điểm” trước các điểm đến tại nhiều quốc gia lân cận.

Chi phí du lịch đang có những tác động đến tâm lý của du khách khiến các điểm đến nội địa “mất điểm” trước các điểm đến tại nhiều quốc gia lân cận.

Với mức giá như trên, nhiều người so sánh đang ngang bằng, thậm chí là cao hơn so với việc đi Thái Lan. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc khách du lịch sẽ giảm sự quan tâm với du lịch nội địa và chuyển hướng sang các quốc gia lân cận.

Theo bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Hội An Express, trong bối cảnh giá tour phụ thuộc vào giá vé máy bay và giá phòng khách sạn, các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu đang nỗ lực duy trì giá dịch vụ ở mức độ vừa phải. Theo bà Anh, các đơn vị không thể giảm giá quá sâu nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ du khách và doanh thu.

Về vấn đề mức giá, bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch Việt Nam) cho rằng mức giá cả giữa các địa phương so với Thái Lan sẽ có phần chênh lệch, trong đó ở nước bạn sẽ có mức giá thấp hơn nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ngoài ra, bà Thảo cũng nhìn nhận việc so sánh mức giá hiện nay cũng là một vấn đề khó khăn, bởi lẽ ở đây nói đến chất lượng của dịch vụ, chất lượng từ trải nghiệm của du khách tại các điểm đến.

“Thực tế, ở Thái Lan các doanh nghiệp đang liên kết với nhau để có thể giảm giá và có sự hỗ trợ từ nhiều nguồn, cùng với đó là mua sắm. Kinh doanh của họ đã vượt xa ta, họ có những sản phẩm mang lại nguồn thu, hiện chúng ta có nhiều sản phẩm như OCOP nhưng chưa có dây chuyền sản xuất bài bản nên vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự. Chúng ta có thể kỳ vọng vào các sản phẩm OCOP thông qua các chương trình sẽ kết nối được với các đơn vị cung ứng dịch khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch để sản phẩm đến với du khách, qua đó tăng lợi nhuận nhưng có thể giảm giá tour”, bà Thảo nhìn nhận.

a

Các địa phương, doanh nghiệp đang tích cực tung chương trình kích cầu để hấp dẫn khách nội địa trong mùa du lịch cao điểm.

Cùng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng,... thì mức giá tại Thái Lan sẽ tốt hơn Việt Nam. Về vấn đề giá vé máy bay, ông Phúc cho rằng chúng ta không thể cạnh tranh với Thái Lan vì nước bạn có nhiều hãng hàng không giá rẻ nên mức chi phí sẽ thấp hơn.

“Về độ phổ biến lượng khách đông, dựa vào quy mô lớn hơn sẽ có giá cả cạnh tranh hơn. Cùng với đó, Việt Nam có mùa du lịch cao điểm và thấp điểm, các nước khác hầu như là phân bổ đều nên chúng ta không thể cạnh tranh về giá được”, ông Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, về vấn đề giá vé máy bay, ông Lê Chí Quân, Phó Giám đốc chi nhánh Việt Nam của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines) cho hay hãng hàng không này đã lên kế hoạch sớm, chủ động các phương án kinh doanh và về cơ bản giá vé đã đáp ứng nhiều nhu cầu cho du khách trong mùa hè. Thông tin từ ông Quân, để hấp dẫn du khách, Vietnam Airlines có chương trình giảm 20-30% giá vé trên mức giá thấp nhất của dải giá hãng này đang khai thác.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Việt dự báo tiếp tục tăng trưởng những tháng cuối năm

    Du lịch Việt dự báo tiếp tục tăng trưởng những tháng cuối năm

    07:02, 03/07/2023

  • Những địa phương nào có doanh thu du lịch cao nhất 6 tháng đầu năm 2023?

    Những địa phương nào có doanh thu du lịch cao nhất 6 tháng đầu năm 2023?

    03:00, 03/07/2023

  • Thái Bình: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp

    Thái Bình: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp

    00:34, 03/07/2023

  • Nam Định: Liên kết để phát triển du lịch

    Nam Định: Liên kết để phát triển du lịch

    02:00, 02/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chi phí là “rào cản” để du lịch phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO