Nỗ lực trong việc đàm phán với các ngân hàng để có mức lãi suất vay phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh giúp HSG giảm chi phí lãi vay.
Bên cạnh đó, yếu tố chênh lệch tỷ giá tăng lên lại ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất niên độ tài chính (NĐTC) 2023-2024 (từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/09/2024). Theo đó, trong NĐTC 2023-2024, doanh thu hợp nhất đạt 39.272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 510 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất NĐTC 2023-2024 vừa công bố, HSG đã ghi nhận sự phục hồi ấn tượng so với NĐTC 2022-2023 khi tất cả các chỉ số đều tăng trưởng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch kinh doanh phương án cao đã đề ra vào đầu NĐTC.
Cụ thể, HSG ghi nhận sản lượng đạt 1.941.694 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, doanh thu đạt 39.272 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, hoàn thành 109% kế hoạch kinh doanh. Trong đó, biên lợi nhuận gộp của HSG đã phục hồi từ mức 9,7% của NĐTC 2022-2023 lên mức 10,8% tại NĐTC 2023-2024, giúp cho mức lợi nhuận gộp đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Ngoài việc phục hồi của biên lợi nhuận gộp thì chi phí tài chính tiếp tục giảm cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của HSG khi chi phí tài chính, trong đó bao gồm chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá, đã giảm 19%, từ mức 314 tỷ đồng trong NĐTC 2022-2023 xuống còn 254 tỷ đồng trong NĐTC 2023-2024. Trong đó, báo cáo HSG thể hiện chi phí lãi vay giảm 32%, từ mức 195 tỷ đồng xuống còn 133 tỷ đồng do HSG nỗ lực trong việc đàm phán với các ngân hàng để có mức lãi suất vay phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, chi phí chênh lệch tỷ giá tăng nhẹ 2%, từ mức 119 tỷ đồng trong NĐTC 2022-2023 lên 121 tỷ đồng trong NĐTC 2023-2024 mặc dù chịu ảnh hưởng của việc biến động tỷ giá liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 09/2024.
Nhờ vào tổng hợp các yếu tố trên, lợi nhuận sau thuế của HSG cũng cải thiện tích cực từ mức 30 tỷ đồng trong NĐTC 2022-2023, lên mức 510 tỷ đồng trong NĐTC 2023-2024, tăng 1,597% và hoàn thành 102% so với kế hoạch kinh doanh.
Riêng trong quý IV của NĐTC, HSG vẫn ghi nhận lỗ hợp nhất 186 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân lợi nhuận trong kỳ giảm là do lợi nhuận gộp giảm, chi phí tài chính tăng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng.
Nhìn chung trong toàn NĐTC, theo HSG, trong thời điểm thị trường có nhiều biến động như hiện nay, HSG vẫn giữ vững được sản lượng và thị phần, đảm bảo được dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tất cả các nhà máy và chi nhánh-cửa hàng của HSG trên cả nước đều hoạt động ổn định. Công ty này cho biết trong thời gian tới, sẽ tập trung vào tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối trong và ngoài nước, xây dựng các chính sách kính doanh phù hợp, tập trung vào những mặt hàng chiến lược dẫn dắt, củng cố nội lực, tích lũy nguồn lực để tận dụng tối đa những cơ hội từ thị trường.
Đặt HSG trong bối cảnh của thị trường thép - tôn mạ đang có nhiều triển vọng trong quý IV, các CTCK cho rằng đây sẽ là một trong những cổ phiếu ngành đáng chú ý.
Nhận định của VCBS về thị trường thép làm rõ những điểm nổi bật của thị trường như: Thị trường nội địa khởi sắc nhờ vào chính sách bảo hộ ngành tôn mạ chính thức được gia hạn. Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép nội địa có mức hồi phục tương ứng khá tốt trong quý III/ 2024.
Đối với ngành tôn mạ, theo VCBS, tình hình cạnh tranh gay gắt với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp nội địa. Vào ngày 24/10/2024, Bộ Công Thương đã chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với các doanh nghiệp với mức thuế từ 2,56 – 34,27%. VCBS cho rằng đây là động lực giúp các doanh nghiệp tôn mạ trong nước tiếp tục gia tăng sản lượng tiêu thụ nội địa trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên nhờ sự phục hồi của thị trường BĐS.
Ngoài ra, trong quý IV, dự báo triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên. Gói kích thích khổng lồ dành cho bất động sản của Trung Quốc đã khiến giá thép đi lên kể từ cuối tháng 9.
“Triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các quốc gia đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, ASEAN. Điều này tiếp tục là bàn đạp cho thị trường xuất khẩu thép thuận lợi và duy trì được mức sản lượng tốt trong các quý tiếp theo. Cùng với đó, yếu tố thay đổi lớn tới nhu cầu thép toàn thế giới tới từ Trung Quốc sau biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch”, VCBS nhận định. Các nhà phân tích của VCBS cũng cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong cả năm tới 2025.
Với biên lợi nhuận kỳ vọng được cải thiện, theo VCBS, biên lợi nhuận gộp của HSG đi tiêu thụ tại thị trường nội địa cao hơn khoảng 3- 5% tùy thời điểm so với thị trường xuất khẩu do 1) Thị trường xuất khẩu phải chịu nhiều thuế hơn tiêu thụ nội địa; 2) Cạnh tranh với thép Trung Quốc gay gắt khi xuất khẩu; 3) Thép sử dụng làm đầu vào để xuất khẩu tới Mỹ, EU yêu cầu chất lượng cao hơn và có giá thành cao hơn bán ở nội địa.
“Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp của HSG sẽ được cải thiện tốt trong thời gian tới do 1) Tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng lên; 2) Biên lợi nhuận xuất khẩu cải thiện trong chu kỳ giá thép tạo đáy và đi lên.
Định giá HSG, VCBS ước tính giá mục tiêu đạt 23.500 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 10x dựa trên 2 phương pháp chiết khấu FCFF và so sánh P/E với tỷ trọng 50/50. Hiện trên thị trường, chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, thị giá HSG đạt 20.250đ/cp, Upsize hơn +16%.