Năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển vượt bậc, nhất là trong việc giảm chi phí sản xuất góp phần mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Arnaud Dubrac - chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Expertise France trực thuộc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong diễn đàn quốc tế về năng lượng tái tạo.
Theo ông Arnaud Dubrac, tại COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trung hoà carbon vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu kỳ vọng này, Ngân hàng Thế giới tính toán, Việt Nam cần đầu tư 350 tỷ USD, đồng thời phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, quan trọng nhất là dung hoà được mục tiêu phát triển kinh tế và yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng.
Gắn liền với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam tăng nhanh. Con số này trong giai đoạn 2016-2023 là 16-17%/ năm. Dự báo trong những năm tới, nhu cầu điện cho phát triển tăng trưởng rất lớn, thậm chí có cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ông Arnaud Dubrac cho rằng, bổ sung phương tiện sản xuất điện hàng năm như thuỷ điện và tăng năng lực sản xuất trong truyền tải điện tại Việt Nam là cần thiết. Trong Quy hoạch điện VIII, một số mục tiêu được đặt ra nhưng một số dự báo cho thấy, thời gian tới năng lực truyền tải của lưới điện cần được tăng cường hơn nữa.
Ở khía cạnh khác, năng lượng cũng là tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, trong đó 70% phát thải khí nhà kính đến từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch với than là nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ than đá sẽ giảm khi năng lượng tái tạo phát triển mạnh.
Chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Expertise France đánh giá, Việt Nam hiện có nhiều sáng kiến khác nhau thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo như phát triển điện gió và mặt trời. Những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong phát triển các nguồn năng lượng trên.
Năng lượng tái tạo đã chiếm gần 40% cơ cấu điện. Đặc biệt, chi phí sản xuất đã giảm mạnh, góp phần mang lại nhiều lợi ích kinh tế và lợi thế cạnh tranh cho năng lượng tái tạo.
Cụ thể, nếu năm 2010 sản xuất điện mặt trời và điện gió có chi phí cao hơn 20% sản xuất năng lượng thông thường thì hiện nay sản xuất điện mặt trời và điện gió đã rẻ hơn đến 50% so với chi phí sản xuất năng lượng thông thường. Tuy nhiên, ông Arnaud Dubrac lưu ý, một số đặc tính của năng lượng tái tạo như thất thường, khó dự báo.
Phát triển năng lượng xanh là định hướng cơ bản trong thời gian tới, góp phần hiện thực hoá mục tiêu chung NetZero vào năm 2050. Việt Nam đã cam kết đẩy nhanh phi carbon hoá hệ thống sản xuất điện nhằm giảm phát thải, đồng thời nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 47% vào 2030. Ông Arnaud Dubrac cho rằng, đây là cam kết mạnh mẽ.
Cơ quan phát triển Pháp hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu trên cũng như Chiến lược chuyển đổi năng lượng thông qua 3 đòn bẩy chính. Đó là: tăng khả năng tiếp cận của người dân; nâng cao hiệu quả năng lượng thông qua việc tác động tới cầu năng lượng; tích cực phát triển nguồn cung năng lượng phi carbon. Bên cạnh đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các quốc gia, nhất là những nước tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Tuy vậy, thực hiện các mục tiêu trên phải huy động nguồn tài chính lớn. Do đó, cần khung khổ pháp lý để có thể kêu gọi nhiều hơn sự hợp tác, hỗ trợ, nhất là về tài chính trong khuôn khổ JETP.