Ngành nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, thị trường, xu thế tiêu dùng, cùng với tác động của COVID-19.
>>Cần thay đổi cách xây dựng kế hoạch ngành nông nghiệp
Chuyển đổi số được coi là “chìa khoá vàng ” cho ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đó là quan điểm của nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề số 9: Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, do Ban Kinh tế TW phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 17/11, theo hình thức trực tuyến.
Ngôi làng số thông minh
Việt Nam có nhiều nông sản đang có sản lượng đứng ở top đầu thế giới như lúa gạo, cà phê,… nhưng tính về giá trị trên cùng một khối lượng, năng suất trên một đơn vị sản xuất thì vị trí xếp hạng của Việt Nam lại không cao.
“Khi so sánh với nông sản cùng loại của các nước khác thì giá trị hàng Việt Nam cũng còn kém xa và đã đến lúc cần phải tăng trưởng giá trị của ngành nông nghiệp không thể dựa vào sản lượng mà cần chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng, khẳng định vị thế trụ đỡ cho nền kinh tế.”, ông Lê Vũ Minh, diện diện Tập đoàn FPT nhấn mạnh.
Theo ông Minh, chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp là một chặng đường dài, cần thu hút sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trước hết hãy bắt đầu từ việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản, minh bạch thông tin trong sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng là một sự cam kết về chất lượng sản phẩm.
Ông Azizz Elbehri, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) khuyến nghị, Việt Nam cần bám sát chiến lược chuyển đổi số quốc gia để gắn với dự án ngôi làng số thông minh, cung cấp sản phẩm dịch vụ số cho người dân ở các quận, huyện và tạo ra môi trường kiến tạo, phát triển dịch vụ số hoá cho khu vực nông thôn.
>>Nông nghiệp đối diện với “3 biến lớn”
Liên kết chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, chuyển đổi số là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh, bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh...
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ N-PTNT cho rằng, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi là ứng dụng công nghệ block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn.
Một số doanh nghiệp lớn như Vineco, Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco, Bảo Hiền Group,… đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, bên cạnh các thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Sản xuất quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ. Liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế.
Có thể bạn quan tâm