Từ sau khi vụ ly hôn nghìn tỷ tạm khép lại, cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhưng trước đó, ít ai biết đến con đường chinh phục giấc mơ cà phê Trung Nguyên của ông như thế nào. Liệu cà phê Trung Nguyên có phải là tất cả để nhớ về vị doanh nhân này?
Trước khi trở thành “vua cà phê” Việt Nam với khối tài sản khổng lồ, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã từng trải qua vô vàn khó khăn từ con đường học vấn cho tới những ngày đầu khởi nghiệp trên thương trường.
Và cũng đặt sang một bên những tranh cãi gây “náo loạn” giới truyền thông gần đây, thì những tư duy, chiến lược, tầm nhìn của Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người còn đang “loay hoay” trên con đường vươn tới thành công.
Với cà phê, Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm cho cả đất nước phải “sửng sốt” và nể phục khi đã từng có lúc chiến thắng “đại gia” Nestle trên “sân nhà”. Thậm chí, Đặng Lê Nguyên Vũ còn có “tham vọng” trở thành “lãnh đạo” cà phê khi muốn “tấn công” vào tận “thủ phủ” cà phê của thế giới, đó là... nước Mỹ.
Chỉ trong vòng 10 năm từ một hãng cà phê nhỏ bé nằm giữa Buôn Mê Thuột, Trung Nguyên đã trỗi dậy thành một tập đoàn hùng mạnh với 6 công ty thành viên
Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ có 3 mục tiêu của cuộc đời mình. Đó là toàn cầu hóa Trung Nguyên. Đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng cường. Theo đuổi học thuyết cà phê trên phạm vi toàn cầu. Quan điểm của ông là “chỉ có tranh đua với những người đi đầu thì ta mới có cơ hội đi đầu”, với mục tiêu đưa Trung Nguyên là nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, để trở thành “Vua cà phê” như hôm nay, Đặng Lê Nguyên Vũ đã phải trải qua những hành trình đầy thăng trầm trong cuộc đời. Năm 1981, bố gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, chạy vạy khắp trong dòng tộc mà không có đủ 2 triệu đồng để chữa bệnh. Đặng Lê Nguyên Vũ không bao giờ quên được cái ngày tối tăm đó, và từ đây đã hình thành trong ông ý chí làm giàu.
Tuổi thơ của Đặng Lê Nguyên Vũ là chuỗi ngày dài suốt 9 năm cuốc bộ trên con đường đất đỏ dài 15km, dù nắng cũng như mưa. Chỉ có niềm vui trên con đường đến trường và về nhà là đi ngang qua trạm thuế vụ, thi thoảng có được quả chuối chín hay vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Năm 1990, Đặng Lê Nguyên Vũ thi đỗ vào trường Đại học Y Tây Nguyên. Để có tiền đóng học, mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để cho ông nhập học. Những ngày học trong trường y, lúc nào Đặng Lê Nguyên Vũ cũng trăn trở về công việc và cuộc sống.
Vào năm thứ 3 đại học, ông chợt nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ. Mẹ ông đã khóc khi ông quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn học cũng nói ông “không bình thường”. Chỉ có 3 người bạn hiểu và chia sẻ được những điều Đặng Lê Nguyên Vũ đang suy nghĩ, nên đã “vét” hết tiền trong túi được gần 100.000 đồng để ông “lập nghiệp”. Đặng Lê Nguyên Vũ rời trường đại học với quyết tâm “không chấp nhận ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”.
Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ học lên nhà ông chú trên Sài Gòn xin “tá túc”, nhưng đã bị “ném trả về” bằng chiếc vé máy bay, kèm thêm câu nói “học xong đi đã”. Ngồi trên máy bay, chàng sinh viên trường y vẫn có một ước mơ sẽ được “bay cao trên bầu trời”. Đó là mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn tại nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Đắk Lắk.
Mặc dù đã đồng ý trở lại trường, nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn “nung nấu” ý tưởng kinh doanh. Tại thời điểm này, ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê.
“Trình bày” suy nghĩ này với bạn bè, nhưng cả trường chỉ có vài ba người chịu nói chuyện với ông. Cuối cùng thì Đặng Lê Nguyên Vũ cũng tìm được 3 “cộng sự” năm xưa để lập nên “Hãng cà phê Trung Nguyên” lẫy lừng sau này vào năm 1996.
Ngay cả việc đặt tên cho doanh nghiệp của mình là “hãng” cũng rất khác, nghe có vẻ “khá ngông”. Vì trong tiếng Việt và trong ý niệm của giới kinh doanh, “hãng” là một cơ sơ ‘to tát” chứ không thể là một căn nhà “ọp ẹp” rộng vài m2, chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột cùng công việc giao cà phê rang xay cho các quán bằng chiếc xe đạp “cà tàng”. Nhưng chính trên chiếc xe đạp “cà tàng” ấy đi đến từng đại lý cà phê để bắt đầu sự nghiệp đã xuất hiện những ý tưởng lớn từ những “vòng quay bánh xe”.
Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê tại TP.HCM và cũng lần đầu tiên được nhắc đến như là một doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu.
Từ đó, các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000 thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.
Hãng cà phê Trung Nguyên đã được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam Nam vào năm 2005, vượt qua tất cả các đối thủ ngoại. Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên xuất khẩu đến hơn 60 nước trên thế giới.
Năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Cùng năm đó, ông được Forbes khắc họa chân dung và ca ngợi là nhân vật “từ vô danh thành anh hùng” (zezo to hero).
Thực tế, không ai có thể phủ nhận phong cách khác biệt và cao cấp của cà phê Trung Nguyên. Đặng Lê Nguyên Vũ đã rất tinh tế khi đưa khách hàng của mình vào lối sống văn hóa đó qua câu khẩu hiệu “khơi nguồn sáng tạo”. Hàng loạt các loại cà phê của Trung Nguyên đã tạo ra một khuynh hướng mới cho giới trẻ Việt Nam, từ nhân viên văn phòng đến sinh viên... mà ông chủ Trung Nguyên vẫn gọi là “phong cách Việt”.
Có thể bạn quan tâm
Người đàn ông quyền lực đứng sau hãng sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam
03:00, 20/03/2021
Cánh chim xanh trên "Vùng đất Ba Tư"
15:00, 19/03/2021
Người đứng sau thương vụ tỷ đô của đôi dép lê “xấu nhất thế giới”
03:00, 19/03/2021
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: "Tôi từng... phá sản"
03:00, 18/03/2021
Chân dung ông chủ 9X bí ẩn đứng sau dự án nghìn tỷ ở Quảng Trị
03:00, 17/03/2021