Bộ Xây dựng vừa ban hành chỉ thị 02 theo hướng siết quy định quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đồng thời đề nghị các địa phương xử lý hình sự đối với các trường hợp chiếm dụng.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định, dẫn đến tình trạng có nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài.
Trong đó, 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp gồm:
Thứ nhất, là nhận thức pháp luật, cách thức, thái độ làm việc để tìm được tiếng nói chung để đi đến thống nhất giữa chủ đầu tư và ban quản trị.
Thứ hai, chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư.
Thứ ba, chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.
Thứ tư, chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư không thống nhất được các phần diện tích, nhất là phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, thiết bị thuộc sở hữu chung nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.
Thứ năm, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị.
Thứ sáu, chủ đầu tư và ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì.
Thứ bảy, một số chính quyền cấp xã, cấp huyện xử lý chưa triệt để nhiều kiến nghị, tranh chấp tại nhà chung cư của địa phương mình.
Nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định.
Kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Chỉ đạo Sở Xây dựng tăng cường thanh tra chuyên ngành về nhà ở tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 176 Luật Nhà ở năm 2014, trong đó tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra năm 2010.
Các trường hợp phức tạp, liên hệ với Thanh tra Bộ Xây dựng để được hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành theo quy định điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Thanh tra năm 2010 và khoản 6 Điều 5 Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng.
Chỉ đạo UBND cấp huyện kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo Điều 48 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng.
Đối với chủ đầu tư, quản lý và bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 20/2021 của Chính phủ, Thông tư 02/2016 và Thông tư 09/2019 của Bộ Xây dựng.
Có trách nhiệm mở 01 tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định.
Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền; khi ban quản trị được thành lập thì bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.
Sau khi bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm đóng tài khoản đã lập theo quy định của pháp luật và phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư đó biết để theo dõi.
Nghiêm cấm chủ đầu tư chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt…
Đối với Ban quản trị nhà chung cư, quản lý kinh phí bảo trì theo quy định; sử dụng kinh phí bảo trì phải đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng giao Thanh tra Bộ qua công tác thanh tra tổng hợp các bất cập của chính sách, pháp luật về nhà ở trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì để kiến nghị với lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
Theo tìm hiểu của PV, đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư. Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị, buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng, buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2021/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở với một số quy định chặt chẽ hơn được cho là sẽ góp phần chặn đứng tình trạng chủ đầu tư chây ì, om 2% quỹ bảo trì nhà chung cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, ở các nước trên thế giới hầu hết chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc thu phí mà chuyển cho một đơn vị thứ 3 thực hiện công việc này.
Đơn vị thứ 3 đó có thể là hiệp hội chung cư, hiệp hội nhà ở (Singapore, New Zealand, Hoa Kỳ....), hợp tác xã (Thụy Điển) hay Công ty TNHH chủ sở hữu căn hộ (Nga). Nhờ có sự thống nhất này nên phí bảo trì chung cư và các loại phí dịch vụ khác đều thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án thu phí bảo trì chung cư
08:00, 11/08/2020
Đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư: Nguy cơ tạo lỗ hổng pháp lý
06:00, 28/05/2020
Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu
12:59, 16/03/2019
Phí bảo trì chung cư: Bỏ, hay giữ cách nào?
18:05, 12/03/2019
Mập mờ quỹ bảo trì chung cư Mulberry Lane
05:00, 25/06/2021
“Hết cửa” chủ đầu tư om quỹ bảo trì chung cư
16:40, 30/04/2021
Nan giải tranh chấp quỹ bảo trì chung cư
05:00, 08/04/2021
Chủ đầu tư “chây ỳ” quỹ bảo trì chung cư: Các bên có thể khởi kiện ra toà
10:10, 10/11/2020