Một tầm nhìn lớn cần song hành với cơ chế quản lý khoa học và sự sáng tạo phải dựa vào minh bạch khi thực hiện, đó là xu thế tất yếu trong chiến lược thương hiệu địa phương.
Đứng trước cơ hội phát triển mạnh và nghênh đón những làn sóng đầu tư và cơ hội phát triển trăm năm có một trong bối cảnh Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới, địa phương trong đó có lãnh đạo, doanh nghiệp và mọi người dân cùng chung sức nhau. Qua đó hội tụ những ý tưởng, gắn kết bởi lịch sử truyền thống và sức sống của thế hệ trẻ trong và ngoài nước, kết thân với bạn bè năm châu bằng tinh thần hội nhập cởi mở và đa văn hoá.
Đó là 3 yếu tố cốt lõi. Việc phân tích bản sắc thương hiệu địa phương có thể bắt đầu từ việc tiếp cận một địa danh mang tính lịch sử, hay di sản hay một địa danh nổi bật dựa trên giá trị thật, bất kể địa danh đó lớn hay nhỏ, cấp làng, cấp xã hay cấp huyện, cấp tỉnh, hoặc có thể là một cảnh quan thiên nhiên, hay núi sông, hay một ngôi làng cổ, hay một công trình mang dấu ấn trăm năm hay nghìn năm, hay đó là một truyền thuyết vẫn lưu dấu trong tâm thức truyền đời, hay di chỉ khảo cổ, hay một danh nhân văn hoá hay một vị anh hùng vệ quốc…
Chúng tôi thường tiến hành khảo sát và thăm dò từ nhiều khía cạnh như thế, để tìm ra những nét văn hoá, lịch sử hay sản vật đặc trưng, tức giá trị bản sắc tiềm tàng của địa phương, nhưng phải còn nhìn nhận dưới góc độ khách hàng, khách quan để đánh giá khả năng thu hút của các giá trị nội tại đang có… Nghe có vẻ trừu tượng nhưng rất lý thú.
Những cuộc thi sáng tạo cần sự tham gia của đại chúng, dành cho tất cả mọi người dân, không chỉ bó hẹp người dân của một địa phương mà cần mời gọi giới chuyên môn từ bên ngoài, quan tâm và yêu mến một địa danh, một địa phương… thường mang lại những kết bất ngờ. Bao gồm việc thi thiết kế biểu trưng, kiến trúc tiêu biểu, linh vật đại diện (destination brand mascot); sáng tạo tên thương hiệu địa phương không nhất thiết chỉ có một thực thể, tên chính thức và tên địa phương, tên ghép, hay tên mới…
Nguồn lực sáng tạo nằm ở mọi lứa tuổi. Với các bạn trẻ là các hoạt động tập thể sinh động, với người lớn tuổi là sự gìn giữ di sản, trí thức cổ xưa, với phụ nữ có thể là những món ăn hay nghệ thuật ẩm thức chế biến sản vật địa phương… Với những người con sống xa quê hương, hay hội đồng hương có thể đóng góp thông tin, tài chính và giao thương quốc tế, xúc tiến du lịch, thương mại hay đầu tư. Giới văn nghệ sĩ có rất nhiều đề tài và sân chơi nghệ thuật sáng tạo...
Các lãnh đạo địa phương nên thường xuyên cởi mở giao lưu và lắng nghe những ý kiến và ý tưởng hay giải pháp từ các nhóm liên quan kể trên, từ trường học, các hội nhóm, các hội đoàn, hội đồng hương, hội văn nghệ sĩ, thậm chí là các youtuber -một lực lượng quan trọng trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội như hiện nay…
Những ý tưởng công trình kiến trúc độc đáo mà không cần quá to tát hay tốn kém, ý tưởng độc đáo, thường hay được lăng-xê bằng nhiều cách, thông qua nhiếp ảnh, mạng xã hội. Những lễ hội độc đáo của địa phương cần được tìm hiểu, khai thác và duy trì, nhưng phải tuỳ theo khả năng của địa phương chứ không phải là cơ hội béo bở để kiếm tiền trên nguồn ngân sách hay tiền thuế của người dân; việc sáng tạo trên nền tảng văn hoá địa phương cần phải được tôn trọng tính nguyên bản và tính quần chúng.
Có khá nhiều mô hình thương hiệu khả dụng cho thương hiệu địa mà chuyên gia nghiên cứu và lan toả trong hơn 20 năm qua, nhưng trong khuôn khổ bài viết này xin được tập trung vào mô hình quan trọng nhất đó là 7P Marketing cho thương hiệu địa phương (cùng tác giả).
Mô hình này có 3 tầng giải pháp và tập trung vào 7 nhóm giải pháp dựa trên marketing mix của tiền bối là Giáo sư Philip Kotler. Từ 4P Marketing mix được phổ biến rộng rãi, tầng II là P5 (People – Con người) và P6. Process (Quy trình); sau cùng ở tầng III là yếu tố tư duy P7. Philosoph, được hiểu cụ thể qua Tầm nhìn thương hiệu và Triết lý Giá trị.
Điều lưu ý mô hình 7P Marketing đã được giới marketing áp dụng rộng rãi trong doanh nghiệp, khi áp dụng vào địa phương chỉ cần một cấp độ khái luận cao hơn.
Một chiến lược lâu bền cần những mô hình và tư duy thích hợp cho mỗi giai đoạn. Trong bối cảnh mới, lãnh đạo và toàn bộ người dân cần một tư duy mới, đột phá và tự tin hơn.
Hiệu ứng quan trọng của thương hiệu là sức hút đầu tư. Đầu tiên nhờ chiếc lược đa phương (cây tre) đang ở vị thế hội các thế lực, và điều kiện đủ đó chính sức hút (thương hiệu) của từng địa phương (“lót ổ cho chim đại bàng”) … chứ cơ hội không tự dưng mà có. Ngay cả khi những đàn “chim lớn” đang đến gần, thì địa phương còn phải cạnh tranh với nhau, cạnh tranh minh bạch và tương hỗ… cả về lợi ích lý tính lẫn lợi ích cảm tính (rational vs emotional).
Các cổng thông tin điện tử cũng cần thay đổi tư duy và hình ảnh, cần tạo ra những cổng thông tin gần gũi đa ngôn ngữ, giàu cảm xúc và chuyên nghiệp, nêu bật những lợi ích và giá trị cốt lõi bằng sự thấu hiểu và mến khách.
Tuy nhiên hầu hết các địa phương đang bỏ qua sự đóng góp của cộng đồng Expat (người nước ngoài). Đây là lực lượng cần được chào đón và có đóng góp nhiều ý tưởng mới cho sự phát triển.
Doanh nghiệp là nơi hội tụ giá trị của địa phương. Doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh kết nối và lan toả giá trị địa phương sẽ lại được thụ hưởng những lợi ích to lớn từ thương hiệu địa phương. Ngay cả các tập đoàn đa quốc gia khi lần đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam họ cũng đề ra chiếc lược quan hệ cộng đồng lấy tinh thần nhân văn làm gốc. Chiếc lược ấy được duy trì thường xuyên qua chính sách nhân sự, môi trường và tuân thủ pháp luật địa phương. Khi mối quan hệ hài hoà này trở nên tốt đẹp, điều tất yếu những quyết sách mở rộng đầu tư lâu dài và hướng đến phát triển bền vững.
Cơ chế mạng xã hội mở ra không gian và cơ hội rộng lớn cho tất cả mọi cá nhân thành viên cộng đồng tham gia đóng góp và hưởng lợi. Có rất nhiều sáng kiến mới và mô hình mới được các bạn trẻ xây dựng và lan toả qua sự dấn thân và qua mạng xã hội cần được ghi nhận và khuyến khích tôn vinh.
Các lễ hội địa phương cần được gìn giữ phát huy theo hướng văn minh và hướng ra quốc tế, lan toả bằng truyền thông sạch. Các lễ hội của đồng bào dân tộc ở vùng núi phía bắc mang rất nhiều sắc màu và bản sắc, cần được phát huy và nâng cấp về cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường.
Thương hiệu là thực thể lãnh đạo vô hình và mạnh mẽ nhất, hội tụ sức mạnh cộng đồng địa phương và lan toả sức mạnh đó ra cộng đồng bên ngoài. Ai có liên đới tham gia góp sức vào thực thể thương hiệu địa phương đều được hưởng hiệu quả, kết quả hoặc sức ảnh hưởng hay sự cộng hưởng từ thương hiệu địa phương.
Hiệu quả tác động của một thương hiệu mạnh địa phương mạnh mẽ hơn sức mạnh hay sức hút của một nhà lãnh đạo là một con người cụ thể. Thương hiệu cá nhân hay KOL chỉ tồn tại theo vòng đời hữu hạn của một cá nhân. Do vậy mà một thương hiệu mạnh cần được vun đắp và gìn giữ lâu dài theo thời gian, sức mạnh hay sự cộng hưởng của nó cũng cần giao thoa hay cộng hưởng một tập thể hay một cộng đồng rộng rãi. Hiệu ứng này rất hay vì nó giống như tín ngưỡng hình thành hiệu ứng tâm linh. Về bản chất, sức lan toả và sức mạnh vô hình cũng giống nhau.
Công tác dân vận ở địa phương do vậy cần được tái nghiên cứu và nâng lên một tầm cao nới thoát ra khỏi sự tuyên truyền một chiều (propaganda).
Các bộ ngành và địa phương cũng từng trải nghiệm triển khai chiến lược thương hiệu và truyền thông quảng bá thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia như TP Hồ Chí Minh,…. Tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đang loay hoay ở những khái niệm và mô hình cơ bản.
Một tầm nhìn lớn cần song hành với một cơ chế quản lý khoa học và sự sáng tạo phải dựa vào những mục tiêu đúng. Đó là xu thế tất yếu trong "dàn đại hợp xướng" thương hiệu địa phương nâng cao vị thế và sức mạnh của đất nước Việt Nam trong những kỷ nguyên vươn mình.